Chất lượng phải tỷ lệ thuận với số lượng khi đa dạng hóa sản phẩm

Phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ đang trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp để trụ vững trong thị trường nhiều biến đổi. Song, thực hiện đa dạng hóa như thế nào để tránh dàn trải, thiếu tập trung là bài toán khó mà các doanh nghiệp đang loay hoay tìm lời giải.

Trong một thị trường biến động mỗi ngày, bất cứ doanh nghiệp nào dù đang trên đỉnh cao tăng trưởng, vẫn có nguy cơ thoái trào và bị xóa tên khỏi bản đồ kinh tế. Để đối mặt với cuộc sàng lọc khắc nghiệt này, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ để mở rộng thị trường nhằm tăng thị phần, uy tín và giá trị thương hiệu.

Tuy nhiên, đa dạng hóa đôi khi cũng là một nước cờ chứa nhiều rủi ro. Nếu không bước đi cẩn trọng, doanh nghiệp dễ sa vào dàn trải, mất tập trung khiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ giảm sút, các đối tượng khách hàng mục tiêu không nhận được sự chăm sóc xứng đáng. Như vậy, họ không chỉ không thu được lợi nhuận từ các lĩnh vực mới mà còn đánh mất thị phần ở những lĩnh vực đang chiếm lĩnh.

Đa dạng hóa đòi hỏi doanh nghiệp bước đi cẩn trọng để tránh dàn trải, mất tập trung
Đa dạng hóa đòi hỏi doanh nghiệp bước đi cẩn trọng để tránh dàn trải, mất tập trung

 

Đa dạng hóa và chất lượng

Nguy cơ lớn nhất khi mở rộng ngành kinh doanh chính là sự giảm sút về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Mô hình hoạt động càng đa dạng sẽ càng phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lớn về tiền bạc và nhân lực. Cùng với đó, phương thức quản lý cũng phải thay đổi để đáp ứng được hai yêu cầu: bao quát toàn thể nhưng vẫn kiểm soát được chi tiết.

Một ví dụ có thể thấy từ CJ – “người anh em” của Samsung – một tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm. CJ tiền thân hoạt động là nhánh kinh doanh thực phẩm của tập đoàn Samsung. Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, hiện tập đoàn CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng. Mục tiêu ban đầu của CJ là giành vị trí số 1 về logistics tại Đông Nam Á, đến nay, CJ đã chinh phục tương đối thành công thị trường tiềm năng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, MobiFone được coi là một trong những điển hình có chiến lược đa dạng hóa mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone Lê Nam Trà, cho biết: để đảm bảo “chất lượng tỷ lệ thuận với số lượng”, bộ máy quản lý và phát triển sản phẩm cần được chú trọng cao độ. Thực tế, MobiFone đã xây dựng hệ thống quản lý thông suốt để kiểm soát sâu và sát vào từng bộ phận từ cấp thấp nhất. Các xu hướng thị trường được cập nhật liên tục để không ngừng đổi mới, mang đến khách hàng những sản phẩm/dịch vụ họ cần và mong muốn sở hữu.

Điều này được minh chứng bằng các dịch vụ tiện ích đáp ứng được tối đa nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng: từ giải trí, học tập đếnkiểm soát công việc và quản lí cuộc sống.

Đa dịch vụ và độ tập trung vào phân khúc thế mạnh

Đa dạng hóa gắn liền với mở rộng tập khách hàng. Đôi khi, mải mê với những phân khúc mới, doanh nghiệp có thể bỏ quên những khách hàng thân thiết vốn có của mình, để “lạc” họ vào tay đối thủ. Chính vì thế, doanh nghiệp phải xác định được ai là người cần được “chăm sóc” và luôn đưa họ lên hàng đầu trong bất cứ chiến lược kinh doanh mới nào.

Chia sẻ về chiến thuật giữ chân khách hàng, ông Lê Nam Trà cho hay, doanh nhân là phân khúc quan trọng mà MobiFone đã gắn bó trong nhiều năm qua. Do đó, các hoạt động kinh doanh hiện tại của MobiFone dù rất đa dạng, nhưng vẫn dành sự quan tâm lớn cho nhóm này. Có thể thấy sự đầu tư không nhỏ của MobiFone vào các gói cước ưu đãi, các giải pháp quản trị kinh doanh, bán hàng – marketing trên nền tảng di động cho doanh nghiệp.

Trong tương lai, MobiFone sẽ tiếp tục khai thác tối đa sự lớn mạnh của điện toán đám mây, mạng xã hội, thương mại điện tử… nghiên cứu và triển khai những giải pháp CNTT giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Phát triển theo hướng đa dạng hóa đang trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp để trụ vững trong thị trường nhiều biến đổi, sàng lọc khắc nghiệt. Song, đây cũng lại là một cuộc chọn lọc khác, nơi chỉ những doanh nghiệp cân bằng được “chất lượng” và “số lượng” mới có thể tồn tại và phát triển.

PV