Chất lượng bánh trung thu: Một dấu hỏi lớn

Chất lượng bánh trung thu vẫn là một dấu hỏi lớn khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Còn 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu, thế nhưng bắt đầu từ rằm tháng bảy thị trường bánh Trung thu đã khá nhộn nhịp. Tuy nhiên năm nào cũng vậy, vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất vẫn là chất lượng bánh và sự an toàn thực phẩm có đảm bảo hay không khi các sản phẩm không rõ nguồn gốc, các hóa chất độc hại để chế biến lẫn nguyên liệu làm nhân quá hạn sử dụng… vẫn được bán len lỏi trên thị trường. Đây vẫn là một dấu hỏi lớn khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
 
Cuộc đua không hồi kết

 

Cuộc đua không hồi kết

 

Đây là một thực tế có thật. Và năm nay phải “sang-đắt-đẳng cấp” hơn năm trước. Từ lý lẽ đó mà các nhà sản xuất bánh Trung thu đua nhau đưa ra thị trường các dòng bánh cao cấp, ấn tượng và dĩ nhiên với cái giá không tưởng để ganh đua thị phần.

 

Qua khảo sát, trong hàng trăm tấn bánh được tung ra thị trường mùa Trung thu năm nay dao động khoảng 50-60 loại bánh góp mặt của tất cả các thương hiệu lớn trong nước như Kinh Đô, Bibica, Brodard Bakery, Vinabico, Như Lan, Thành Đô, Hữu Nghị, Bảo Ngọc…

 

Bỏ qua dòng bánh bình dân, thị trường bánh top trên được chia ra 2 loại “siêu sang”: sản phẩm bánh cao cấp (từ 1 triệu đồng/hộp trở xuống) và sản phẩm bánh đặc biệt (từ 1 triệu đồng trở lên).

 

Nếu như dòng bánh bình dân được hầu hết các gia đình mua về ăn thì 2 dòng sản phẩm kể trên nằm trong phân khúc biếu-tặng.

 

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra đó là lý do nào để định cấp dòng sản phẩm là “siêu sang” - câu trả lời đơn giản bởi tên gọi của nhân bánh được quảng cáo một cách cao lương mỹ vị đầy hấp dẫn như: yến sào hạt sen, trứng cá hồi, tảo Spirulina, cua huỳnh đế, bào ngư Bắc Kinh, sò điệp Nhật Bản xốt rượu Cognac X.O, tôm càng bách hoa, tôm Wasabi, nhân nấm linh chi, đông cô, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, vi cá, đậu xanh Collagen…

 

Trong cuộc đua tranh không có hồi kết này còn có sự tham gia của những thương hiệu của nhà hàng, khách sạn nổi tiếng cho ra đời các dòng bánh Trung thu thuộc hàng “đại gia”.

 

Năm 2011, người dân có phen choáng váng với sự dẫn dầu của khách sạn Daewoo khi trở thành “đại gia” của hộp bánh Trung thu  trị giá hơn 6 triệu đồng. Năm nay bất chấp  kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm, dòng sản phẩm có giá gần 12 triệu đồng/hộp của khách sạn Hà Nội vẫn được tung ra thị trường.

 

Để hô những giá ngất ngưởng như trên, ngoài nguyên liệu chế biến sản phẩm được các nhà sản xuất khẳng định là quý-hiếm-đặc biệt và không quên đi kèm với các chai rượu quý, chè lạ đi kèm trong gói sản phẩm VIP hạng Kim cương-Bạch kim-Vàng. Để minh họa cho cái sự “khủng”, một số loại bánh được giới thiệu là phun vàng ròng nguyên chất lên vỏ bánh(?) Chưa hết, cuộc ganh đua phải đầy đủ từ A-Z, đó chính là vở hộp bánh được làm từ chất liệu gỗ chống ẩm, mốc, giữ hương vị.

 

Thế nhưng câu hỏi thứ hai được đặt ra đó là những chiếc bánh “siêu sang” như vậy có đi kèm với chất lượng ngon-bổ dưỡng-ATVSTP tương xứng? Băn khoăn này cộng thêm việc các sản phẩm chứa sơn hào hải vị có thật như quảng cáo hay không có lẽ chỉ các nhà sản xuất mới tường tận. 

 

Thực tế...

 

Bánh Trung thu đã “loạn”? Từ nhiều năm nay bánh Trung thu sử dụng thực phẩm bẩn, hết “đát” đã bị phát hiện. Vấn đề ATVSTP là điều hết sức lo ngại được đặt ra không chỉ đối với người tiêu dùng mà cả đối với các cơ quan chức năng.

 

Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội, Cơ quan QLTT thì không ít các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đều mang tính thời vụ, vì lợi nhuận mà chạy theo thị trường dẫn đến việc lơ là khâu ATVSTP.

 

Một bác sỹ của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm nhận định: “Nhân bánh Trung thu làm sẵn đóng gói rất dễ bị hỏng nên cơ sở sản xuất thường cho vào nhiều phụ gia, hóa chất bảo quản. Ngoài ra vì lợi nhuận nhiều cơ sở còn sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm độc hại đã bị cấm trong thực phẩm. Ngay cả với hóa chất thực phẩm nếu cho quá liều lượng thì độ độc hại cũng giống như hóa chất công nghiệp. Người ăn bánh Trung thu làm từ các loại nhân này, đặc biệt là trẻ em sẽ có nguy cơ bị hóa chất làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa, gan thận…”. 

 

Thực tế khả năng ngộ độc vì bánh Trung thu là có thật khi trên thị trường có bán những nhân bánh làm sẵn được “phù phép” với đủ chủng loại, nguyên liệu từ trà xanh, đậu xanh, cà phê, trứng muối, hạt sen, khoai môn, sầu riêng…; nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng lẫn chất lượng ATVSTP. Tất cả những nhân bánh làm sẵn này đều được bán theo cân dao động từ 50.000-100.000 đồng/kg(?)

 

Được biết không ít những nhân bánh được làm sẵn bằng phương pháp gia công đều độn tạp chất, hầu hết do Trung Quốc sản xuất. Nguyên liệu này được sử dụng cho những thành phẩm giá rẻ, còn chất lượng thì… không biết!

 

Không những thế thương hiệu sản xuất bánh cũng đến những cơ sở, làng nghề để đặt hàng gia công, chế biến hàng loạt, xong về chỉ dán tem, gắn mác, đóng vào những vỏ hộp sang trọng, bắt mắt rồi đẩy mạnh quảng cáo bán ra thị trường.

 

 Mỗi mùa Trung thu đi qua, các bệnh viện đều đã tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc vì ăn phải bánh Trung thu rởm, bị mốc, quá hạn; vì vậy để đảm bảo ATVSTP cho dịp Tết Trung thu năm nay, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Về vấn đề bánh Trung thu kém chất lượng xuất hiện trên thị trường những năm qua, và năm nay cũng không phải ngoại lệ, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP trên báo chí đã từng khẳng định: “Trung thu chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng, nên các cơ sở sẽ tập trung sản xuất thời vụ, và nảy sinh những điểm sản xuất tự phát, chộp giật trong thời gian ngắn. Có những cơ sở bình thường thì đóng cửa, nhưng gần đến Trung thu lại hoạt động sôi nổi, làm ngày làm đêm để tuồn bánh ra thị trường. Cho nên vấn đề kiểm soát chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, dù thế chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm từ thịt. Nội dung kiểm tra sẽ liên quan đến việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo, điều kiện sản xuất, sơ chế... đồng thời nếu có dấu hiệu bất thường chúng tôi sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm; và kiên quyết xử phạt nghiêm minh những cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh”.

 

Được chứng minh

 

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PCTPVMT), Bộ Công an cho biết: “Lực lượng chức năng vừa phát hiện một cơ sở nhập nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu hết “đát”, sử dụng phụ gia không có nguồn gốc, không được phép dùng trong thực phẩm. Trong một tháng trước Tết Trung thu, lực lượng Cảnh sát PCTPVMT toàn quốc đã phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển phụ gia thực phẩm như chất tạo màu, tạo ngọt không rõ nguồn gốc để làm bánh.

 

Một trong những nguyên liệu quan trọng để làm bánh Trung thu là đường kính, tuy nhiên trinh sát Cục Cảnh sát PCTPVMT phát hiện đã có doanh nghiệp “nhập khẩu” đường hóa học, đường dạng nước không qua kiểm định chất lượng, có độ ngọt cao… từ nước ngoài về sản xuất bánh với số lượng lớn.

 

Đầu tháng 9/2012, Phòng 6, Cục Cảnh sát PCTPVMT kiểm tra, phát hiện một cơ sở do người Trung Quốc làm chủ, chuyên sản xuất nhân bánh Trung thu ở Hưng Yên làm nhân bánh bằng đậu xanh hết “đát”. Trong kho chứa, cảnh sát phát hiện cơ sở lưu trữ 20 tấn đậu tương.

 

Đáng chú ý, hồ sơ, giấy tờ nhập khẩu cho thấy 20 tấn nguyên liệu làm bánh này về Việt Nam từ tháng 8/2012, nhưng trên bao bì sản phẩm in hạn sử dụng chỉ đến tháng 4/2012. Ngoài ra lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều can, chai, lọ đựng phụ gia làm bánh in nhãn mác Trung Quốc tại cơ sở”.

 

Qua tham khảo thông tin từ lực lượng Cảnh sát PCTPVMT, Công an TP Hà Nội được biết mùa Trung thu năm nay khó tránh những vi phạm sẽ xảy ra với những phương thức thủ đoạn “nhập khẩu” tinh vi hơn bằng nhiều phương tiện vận chuyển. Nguồn gốc các loại nguyên, phụ liệu làm bánh Trung thu được các cơ quan chức năng xác minh chủ yếu được “nhập” về Việt Nam qua đường tiểu ngạch từ khu vực biên giới phía Bắc, sau đó được chia nhỏ chuyển về các tỉnh để tiêu thụ. Trước diễn biến trên, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành ra quân kiểm tra ATVSTP phục vụ Tết Trung thu đến ngày 30/9/2012 để ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm quy định.

 

Theo Quân.Trần

ANTĐ