1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chậm niêm yết ở nước ngoài, chậm hội nhập

"Chúng ta còn có sự e ngại nhất định", ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nói về vấn đề doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở nước ngoài.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đang có định hướng niêm yết ở thị trường nước ngoài nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Theo ông vấn đề này cần giải quyết như thế nào?

Sau một quá trình đấu tranh thì việc niêm yết ở thị trường nước ngoài đã được đưa vào Luật Chứng khoán. Tuy nhiên Nghị định hướng dẫn cũng nói chưa rõ lắm, đòi hỏi phải có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn.

Theo tôi, thứ nhất là cần có chủ trương và Luật cũng đã cho phép doanh nghiệp được niêm yết ở thị trường nước ngoài. Việc còn lại là phải giải quyết những vấn đề cụ thể như điều kiện niêm yết ở một thị trường nào đó, nhưng những điều kiện lại do chính thị trường đó quyết định.

Ví dụ như niêm yết ở thị trường New York, Singapore chẳng hạn thì doanh nghiệp Việt Nam phải thỏa mãn những điều kiện mà hai thị trường này đưa ra chứ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể can thiệp.

Về hành lang pháp lý thì phải giải quyết những vấn đề như thanh toán ngoại hối, như khi doanh nghiệp trả cổ tức cho các cổ đông. Doanh nghiệp Việt Nam trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài, người ta chuyển về nước hoặc để lại để tái đầu tư, nhưng khi niêm yết ở nước ngoài, doanh nghiệp trả cổ tức, thanh toán bằng ngoại tệ, có thể qua một tổ chức trung gian nào đấy, thì phải quy định rõ để doanh nghiệp chủ động thực hiện. Và ở đây cần phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước vì liên quan đến ngoại hối.

Vấn đề thứ hai khi doanh nghiệp niêm yết tại thị trường nước ngoài, huy động vốn ở nước ngoài, đó là huy động ngoại tệ thì cũng phải có những thủ tục, quy định cụ thể để doanh nghiệp thực hiện một cách thuận lợi. Tôi cho rằng đây là những vấn đề không khó.

Ngoài những quy định về ngoại hối, cũng cần có những quy định về sự tham gia của những định chế tài chính trung gian như công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư, rồi quy định về mức niêm yết là bao nhiêu, trường hợp nhà đầu tư trong nước muốn mua lại phần niêm yết ở nước ngoài thì như thế nào… Đó là những vấn đề mang tính kỹ thuật.

Riêng đối với các ngân hàng thương mại niêm yết ở thị trường nước ngoài thì lại liên quan đến sự khống chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay là hơi thấp, chỉ là 30%, và 30% này có thể các đối tác chiến lược sẽ hoặc đã mua hết, như vậy sẽ khó khăn khi niêm yết ở thị trường nước ngoài về hàng hóa giao dịch, phải nói là rất khó khăn.

Nếu như Nhà nước cho thí điểm một ngân hàng nào đó niêm yết ở nước ngoài thì phải nới rộng tỷ lệ sở hữu đó, ví dụ như thêm 10% dành cho nhà đầu tư tài chính, vì khi niêm yết thì phải có hàng hóa. Như Sacombank hay ACB hiện nay, tỷ lệ sở hữu cho phép đều đã thuộc về những nhà đầu tư dài hạn. Và đẩy lên 40 - 45% thì mới có giao dịch sôi động được. Hoặc như giới hạn tỷ lệ sở hữu của mỗi pháp nhân không quá 5% để dành hàng cho thị trường…

Nói tóm lại, ngoài các ngân hàng thương mại, hành lang pháp lý cho những doanh nghiệp khác niêm yết ở thị trường nước ngoài không phải là quá lớn. Thậm chí khi giải quyết được vấn đề ngoại hối, doanh nghiệp Việt Nam kể cả không cần niêm yết ở trong nước cũng có thể niêm yết ngay tại thị trường nước ngoài, không nhất thiết phải niêm yết ở cả hai thị trường.

Về trường hợp của các ngân hàng thương mại, gần đây có thông tin là một số ngân hàng Việt Nam muốn hoặc đang xúc tiến kế hoạch niêm yết tại thị trường Singapore. Với những hạn chế như ông nói thì phải chăng đó chỉ là những thông tin nhằm “đánh bóng” tên tuổi?

Về nguyên tắc, các ngân hàng thương mại vẫn có quyền để niêm yết. Nhưng hàng hóa để giao dịch thì lại rất hạn chế do quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.

Như ở Sacombank hay ACB, ngân hàng nước ngoài đã vào và họ muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% và họ là những nhà đầu tư dài hạn; thậm chí cả 30% cho phép đều là của các nhà đầu tư chiến lược. Như thế, để niêm yết, có thể Chính phủ phải cho phép nâng thêm tỷ lệ sở hữu 10% để tạo hàng cho thị trường. Còn với quy định hiện nay thì rất khó khăn.

Theo ông, khi niêm yết ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có gặp những bất lợi về thương hiệu hay quy mô nhỏ không?

Vấn đề ở đây là niêm yết ở thị trường nước ngoài là để huy động vốn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lập những doanh nghiệp mới, kể cả quy mô nhỏ, họ vẫn niêm yết ở thị trường nước ngoài; hay như các qũy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng vậy.

Chúng ta chưa có tiền lệ, chưa có “tập quán” nên còn có sự e ngại nhất định. Như hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn của chúng ta sẵn sàng tiến hành niêm yết ở nước ngoài mà không ngại những bất lợi đó, mà là ngại về hành lang pháp lý chưa được cụ thể.

Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Việt Nam vừa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi tổ chức thành công APEC 2006; Việt Nam đang được đánh giá là một địa chỉ hấp dẫn đầu tư. Phải chăng đây cũng là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành niêm yết ở nước ngoài?

Nếu tiến hành ở thời điểm này thì rất tốt, tốt cho các bên tham gia thị trường và cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là tạo điều kiện cho các bên thêm cơ hội hội nhập.

Bản thân doanh nghiệp áp dụng được các chuẩn mực quản trị tiên tiến trên thế giới, minh bạch hơn theo chuẩn quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước có cơ hội để tiếp cận kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới. Các nhà đầu tư trong nước cũng có điều kiện để hội nhập thông qua việc tiếp cận các thông tin đánh giá, phân tích của giới đầu tư nước ngoài về doanh nghiệp đó.

Và đặc biệt là khi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế, giới đầu tư quốc tế cũng sẽ hiểu rõ hơn về Việt Nam, tạo thêm cơ sở để họ quyết định đầu tư, để Việt Nam thu thu hút đầu tư. Giá trị của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ tháng 10/2005 cũng đã một phần chứng minh điều đó.

Theo tôi, đây là thời điểm chín muồi. Bản thân các sở giao dịch trên thế giới cũng tự đi tiếp thị để thu hút doanh nghiệp. Và họ cũng đã đến Việt Nam và cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng khi tiến hành niêm yết ở nước ngoài.

Vấn đề còn lại là Ủy ban Chứng khoán cần nhanh chóng xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn. Nhưng tôi thấy có vẻ như Ủy ban chưa sẵn sàng với chuyện này, vì có thể nhiều doanh nghiệp sẽ ra niêm yết ở nước ngoài, bỏ thị trường trong nước và Ủy ban mất vai trò quản lý, mất cơ chế xin - cho.

Mặc dù VAFI đã thúc dục cách đây hai năm rồi, Bộ Tài chính cũng ủng hộ hướng đi này, nhưng Ủy ban Chứng khoán cho đến giờ vẫn chưa mấy thiết tha. Mà càng chậm trễ thì không những thị trường chứng khoán mà cả nền kinh tế Việt Nam chậm hội nhập.

Vậy ông dự báo đến bao giờ niêm yết ở thị trường nước ngoài mới là một hiện thực phổ biến với các doanh nghiệp Việt Nam?

Nếu thuận lợi, có thể là năm 2008 và đến năm 2009 việc doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở nước ngoài sẽ nở rộ.
 

Theo Minh Đức
Vneconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm