CEO Wiibike nói gì về câu chốt deal đang "gây bão" dư luận của shark Phú?
(Dân trí) - Theo CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng, trong hoàn cảnh đó, bà hiểu ý shark Phú rằng "còn quá sớm để đánh giá về business nhưng shark quan tâm đến yếu tố con người của đội ngũ sáng lập công ty".
Câu nói "Anh không quan tâm đến business, anh chỉ quan tâm đến em thôi" với CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, trong chương trình Shark Tank Việt Nam mới phát sóng mới đây đã "gây bão" dư luận những ngày vừa qua.
Rất nhiều luồng ý kiến khác nhau đã phát sinh xung quanh phát ngôn này. Người thì cho rằng để chương trình bớt khô khan, nói như vậy cũng không có gì là quá.
Song cũng có ý kiến cho rằng chương trình Shark Tank dù là game show nhưng không có nghĩa là xin - cho mà là một cuộc kết nối đầu tư. Nơi đó, người gọi vốn trình bày triển vọng mô hình kinh doanh để thuyết phục nhà đầu tư. Nhà đầu tư, bằng niềm tin cá nhân có thể tham gia hoặc không tham gia nhưng khâu thuyết trình thì phải để cả xã hội được nhìn thấy. Góc nhìn của vị này cho rằng câu nói trên là kém duyên, có thiên hướng xúc phạm và hạ thấp trí tuệ của phụ nữ.
Chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - CEO Wiibike - cho biết trên sóng truyền hình, Wiibike chỉ xuất hiện khoảng 15 phút nhưng thực tế ghi hình diễn ra hơn 1 giờ. Trong quá trình đó, shark Phú và các shark đặt ra rất nhiều câu hỏi để tìm hiểu kỹ càng về Wiibike, từ quá trình thành lập đến đặc điểm sản phẩm, tình hình tài chính và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Câu nói được cho là "gây bão" kể trên nằm ở phần "chốt deal" sau khi các shark đã không còn câu hỏi nào đặt ra cho Wiibike nữa. "Xét trong hoàn cảnh lúc đó thì tôi hiểu ý shark Phú là: "Anh hỏi xong rồi nên không còn quan tâm đến business của em nữa. Anh chỉ quan tâm đến người sáng lập thôi", bà Thu Hằng bày tỏ.
Theo bà, sau hàng loạt câu hỏi và trao đổi rất cụ thể và căng thẳng, câu nói "chốt deal" kể trên của shark Phú trong bối cảnh thực tế diễn ra có nghĩa là "còn quá sớm để đánh giá về business nhưng shark quan tâm đến yếu tố con người của đội ngũ sáng lập công ty.
"Và shark Phú cũng đã từng nhiều lần khẳng định ý này trên Shark Tank rồi. Bên cạnh đó, tôi cũng biết shark Phú có thói quen xem tướng của người sáng lập ngay ở 10 giây đầu tiên trước khi quyết định đầu tư", lời CEO Wiibike.
Nữ CEO này cho hay bà mong dư luận hãy tập trung vào những vấn đề mà công ty bà mong muốn giải quyết cũng như các giá trị mà sản phẩm có thể mang lại cho người tiêu dùng, đó là xe đạp Wiibike.
Trước câu hỏi vì sao nhận được đề nghị đầu tư của shark Bình và shark Phú nhưng lại chọn shark Phú, bà Hằng cho biết bà và cả team đã thống nhất trước khi đến với chương trình rằng nếu được chọn sẽ chọn shark Phú vì "có cùng quan điểm, triết lý kinh doanh, đặc biệt là hệ thống sản xuất, phân phối phù hợp với Wiibike".
Nói thêm về sản phẩm, bà Hằng chia sẻ năm 2020, bà nghỉ việc để cùng chồng tham gia nghiên cứu, đầu tư sản xuất cho sản phẩm xe đạp. "Đến Shark Tank, điều tôi mong muốn không chỉ là nhận được tiền đầu tư mà còn tìm được người có kinh nghiệm để cùng đồng hành lâu dài bởi vì định hướng của Wiibike không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà muốn đưa ra các giải pháp về giao thông xanh để thực sự đóng góp cho hệ thống giao thông ở Việt Nam", bà bày tỏ.
Dù thế, việc đưa chiếc xe đạp trợ lực điện của công ty đến với khách hàng, theo bà, không hề đơn giản. Phải mất 3 năm từ 2017 đến 2020 đi từng ngõ gõ từng cửa, thử và sai khi tối ưu sản phẩm thì mới bước đầu thấy kết quả.
Theo chia sẻ của nữ CEO này, chỉ đến khi tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam được công bố rộng rãi và ý thức bảo vệ môi trường tăng cao khi đại dịch Covid-19 xuất hiện thì sản phẩm mới được đón nhận hơn. Theo số liệu do bà cung cấp, đến tháng 4/2021, tăng trưởng hệ thống đại lý của Wiibike là 10 lần, doanh số cũng tăng 300%.
" Tôi cảm thấy có đôi chút tiếc nuối vì thời điểm ghi hình Shark Tank hơi sớm, các chỉ số kinh doanh này chưa kịp về nên không thể đưa ra các con số thuyết phục các Shark hơn. Nhưng Wiibike sẽ cố gắng hết mình để chứng minh rằng con đường mình đã chọn là đúng đắn", bà nói.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cũng từng đưa ra quan điểm về việc xem tướng "Trong 10 giây đầu tiên, founder phải có "tướng" thủ lĩnh, nếu không thì 90% khả năng tôi sẽ loại bỏ".
Mới đây, trên fanpage chính thức của vị "cá mập" này cũng cho biết, một trong 3 yếu tố để quyết định rót vốn cho startup là nhân tướng học. "Bản thân Founder hay người đại diện cho startup phải có tướng mạo, thần thái của người lãnh đạo; phải thể hiện được khát vọng, đam mê theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng".