CEO Thế giới Di động: Người của công ty tôi khó có thể bị "câu" sang công ty khác

(Dân trí) - Chia sẻ về sự tận tuỵ của đội ngũ nhân viên, CEO Thế giới Di động nói: “Tôi có lẽ là người làm việc ít nhất công ty khi thường về nhà vào khoảng 4 - 5 giờ chiều. Đội ngũ làm việc thì ở lại muộn hơn nhiều dù không ai yêu cầu họ làm điều đó”.


Một người làm việc trong cửa hàng mà họ xem như của họ thì khác hẳn người làm kiếm cơm qua ngày, CEO Thế giới di động chia sẻ.

"Một người làm việc trong cửa hàng mà họ xem như của họ thì khác hẳn người làm kiếm cơm qua ngày", CEO Thế giới di động chia sẻ.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 3/6, ông Nguyễn Đức Tài - CEO kiêm nhà sáng lập của Thế giới Di động - cho hay: “Yếu tố để thành công chính là nhân viên, nếu nhân viên không được đáp ứng đủ điều kiện để họ có tình yêu và đủ cống hiến với công ty, thì doanh nghiệp không thể phát triển bền vững”.

"Con người đi làm vì hai điều, thứ nhất vì lương thứ hai vì động lực, "không thực thì khó vực được đạo””, CEO Thế giới Di động nhấn mạnh.

Ông Tài cũng cho biết, để giữ chân nhân viên, công ty này sử dụng ESOP, một phương thức áp dụng để từng cá nhân làm việc trong công ty đều có thể sở hữu cổ phiếu của công ty.

Chính sách ESOP 3 - 5% một năm của Thế giới di động đã gây nhiều tranh cãi cho cổ đông khi cho rằng tỷ lệ này quá cao. Tuy nhiên, ông chủ của công ty này lại cho rằng, đây là "động lực mạnh mẽ” cần thiết để đội ngũ nhân viên thêm yêu công ty như gia đình.

Vị CEO ví: "Một người làm việc trong cửa hàng mà họ xem như của họ thì khác hẳn người làm kiếm cơm qua ngày".

"ESOP làm được việc phải làm là tạo thu nhập tốt cho đội ngũ nhân viên ngoài ra số cổ phiếu này bị giới hạn chuyển nhượng 4 năm, công ty nào cũng có lúc khó khăn nhưng nhân viên của chúng tôi vẫn chiến đấu cho tương lai của công ty này. Họ ở lại chiến đấu vì họ có tài sản ở đây. Người của công ty cũng khó có thể bị "câu" sang công ty khác”, ông Tài nói.

Nói về quan điểm trong việc dùng người, ông Tài cho biết, nhân viên của ông, thậm chí ở cấp bậc cửa hàng trưởng cũng không cần tốt nghiệp đại học.

“Họ chỉ cần quan tâm là thái độ phục vụ khách hàng có tốt không và động viên những người còn lại làm việc vui vẻ. Điểm mấu chốt là văn hoá ứng xử với khách hàng, chừng nào khách hàng yêu thương và quay lại thì công ty còn có tương lai”, ông Tài nói.

Chia sẻ về sự tận tuỵ của đội ngũ nhân viên, ông Tài nói: “Tôi có lẽ là người làm việc ít nhất công ty khi thường về nhà vào khoảng 4 - 5 giờ chiều. Đội ngũ làm việc thì ở lại muộn hơn nhiều dù không ai yêu cầu họ làm điều đó”.

Ông cũng chia sẻ thêm rằng, để một nhà bán lẻ thành công trên thị trường thì cần phải đặt khách hàng ở vị trí đầu tiên, tiếp theo là nhân viên và cuối cùng mới là đơn vị cung cấp và nhà đầu tư.

Từng được truyền thông cho rằng, ông Tài là nhà sáng lập của hãng bán lẻ điện thoại di động nhưng quyết mở siêu thị vì … thấy vợ vất vả. Tuy nhiên, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Tài khẳng định: “Làm kinh doanh phải nhìn tổng thể, không chỉ vì nhu cầu của cá nhân hay nhóm nhỏ như gia đình".

"Không phải cứ thấy trong gia đình có vấn đề là kinh doanh. Như hiện nay, các thành viên trong gia đình rất băn khoăn khi đi khám bệnh nhưng không phải vì thế mà tôi mở bệnh viện”, ông Tài nói thêm.

Phương Dung

CEO Thế giới Di động: Người của công ty tôi khó có thể bị "câu" sang công ty khác - 2