CEO Techcombank: Trồng cây ăn quả mất 3-10 năm, thành quả của chúng tôi hôm nay đã được chuẩn bị từ 3-4 năm trước
(Dân trí) - Năm 2018, Techcombank nổi lên như một hiện tượng, thu hút sự quan tâm nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đầu tiên là sự kiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá cao nhất thị trường, gấp đôi giá cổ phiếu bluechip của một số ngân hàng top đầu.
Giá trị vốn hóa của Techcombank trong ngày đầu niêm yết là 6,5 tỷ đô la Mỹ. Tiếp đến, ngân hàng lại gây “sốc” với màn chia cổ tức có một không hai trong ngành với tỷ lệ 1:2, qua đó nâng vốn điều lệ lên gấp 3 lần và nghiễm nhiên nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn cao nhất. Chưa hết, sau khi niêm yết và tăng vốn, Techcombank lại gây ấn tượng với kết quả kinh doanh kỷ lục, cùng với Vietcombank trở thành 2 ngân hàng duy nhất đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Đứng sau những thành công ấy là sự nỗ lực của hơn 9,000 cán bộ nhân viên ở Techcombank cùng với “dàn sao” Ban Điều hành. Nhân dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc của nhà băng này đã có những chia sẻ với chúng tôi về những câu chuyện ở Techcombank và những kỳ vọng của ông trong năm mới.
Thành công không chỉ nằm ở con số
Năm 2018 Techcombank đã ghi nhận những con số rất ấn tượng trong hoạt động và kinh doanh. Những kết quả có được ấy xuất phát từ đâu thưa ông?
Đóng góp lớn nhất vào kết quả năm qua là sự đồng hành của các đối tác và toàn bộ cán bộ nhân viên Techcombank.
Trong kết quả kinh doanh,tôi thấy hài lòng nhất là bảng cân đối ngày càng tốt hơn phản ánh đúng hướng đi chiến lược của ngân hàng. Chất lượng nợ của ngân hàng tốt hơn, đồng thời ngân hàng giảm được rất nhiều dự phòng cho nợ xấu, góp phần giúp lợi nhuận đạt mức hơn 10,000 tỷ đồng..
Ngoài ra, điều thành công lớn hơn là tất cả mọi người trong ngân hàng đã hiểu rõ chiến lược, hiểu rõ cách phục vụ và lựa chọn những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất để cung cấp cho khách hàng. Như người ta thường nói, trồng cây ăn quả phải mất từ 3 đến 10 năm. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị từ 3 – 4 năm trước.
Đại thắng như vậy, cảm xúc của ông lúc này thế nào?
Tôi cảm thấy rất tự hào vì những gì ngân hàng đặt ra đã làm được. Tôi muốn cảm ơn khách hàng, các đối tác và anh chị em cán bộ nhân viên đã cùng đồng hành để đạt được điều đó.
Tôi cũng tự hào rằng những nỗ lực của chúng tôi không chỉ được hệ thống trong nước ghi nhận, mà còn được thị trường bên ngoài đánh giá rõ ràng, minh bạch thông qua các con số. Chẳng hạn, kết quả IPO là sự công nhận của các quỹ đầu tư tổ chức lớn trên thế giới dành cho Techcombank, hay kết quả doanh thu, lợi nhuận vượt trội là minh chứng cho việc ngân hàng đã làm đúng và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Kết quả năm 2018 đã giúp Techcombank vươn lên vị thế dẫn đầu các ngân hàng tư nhân về vốn và lợi nhuận. Tuy nhiên ngay sau Techcombank cũng có nhiều ngân hàng bứt tốc mạnh, vậy các ông có kế hoạch gì để giữ được vị trí này trong thời gian tới?
Mục đích của chúng tôi là phục vụ được hiệu quả nhất cho khách hàng, mang đến những trải nghiệm dịch vụ tài chính tốt nhất cho khách hàng, vì thế chúng tôi luôn chuyển đổi để đáp ứng tối đa cho nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Hiện nay, các ngân hàng khác cũng tích cực thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đó là điều rất đáng hoan nghênh. Tôi không xem việc ngân hàng này ở vị trí nào, ngân hàng kia ở vị trí nào để cạnh tranh, để xác định vị thế nhất định nào đó, mà xem đây là sự đồng hành đểcùng nâng tầm giá trị Việt. . Khi tất cả ngành ngân hàng cùng nỗ lực làm việc và đáp ứng được nhu cầu tài chính của người dân cũng như các doanh nghiệp,đó sẽ là thành công chung cho đất nước.
Đã tăng trưởng liên tục hơn 3 lần theo cấp số nhân nhưng vẫn lạc quan vào tương lai phía trước
Trong tương lai gần là năm 2019, các ông hướng tới mục tiêu cụ thể thế nào?
Con số thì lúc này tôi chưa thể nói được, nhưng khẳng định mục tiêu sẽ không khác so với giai đoạn 2018, 2017, 2016.
Với đà phát triển của Techcombank, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng phục vụ nhu cầu tốt nhất của các nhóm khách hàng. Với khách hàng cá nhân, ngân hàng sẽ tập trung gia tăng chất lượng phục vụ theo nhóm để giảm mức độ rủi ro chung qua việc phân tán ra các khách hàng nhỏ lẻ. Để chủ động song hành cùng định hướng của Chính phủ cũng như định hướng của Ngân hàng Nhà nước, Techcombank cũng tập trung phát triển nhiều nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với nhóm những khách hàng là công ty lớn, ngân hàng sẽ giúp họ huy động và đầu tư vào tương lai, tất nhiên để giúp họ đạt được những khoản vốn lớn thì ngân hàng cần phải dựa vào thị trường bên ngoài, chứ không phải bằng bảng cân đối của ngân hàng.
Năm 2019, một mục tiêu quan trọng ngân hàng sẽ chú trọng phát triển đó là thu hút nguồn tài chính còn bên ngoài hệ thống. Chúng ta biết rằng, hiện gần hai phần ba dòng tiền trong nước nằm ngoài hệ thống ngân hàng, đó là nguồn tài chính rất lớn mà giờ chưa tận dụng được. Vì vậy, nên các ngân hàng cần tìm cách để chuyển được dòng tiền từ bên ngoài ngân hàng vào trong hệ thống tài chính và biến nó thành nguồn đầu tư cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có nhiều biến động, nhất là thế giới khi các nước tăng lãi suất liên tục, thị trường chứng khoán biến động, chiến tranh thương mại toàn cầu… các ông có chuẩn bị những gì để đối phó với các rủi ro có thể tác động tới ngân hàng?
Bản chất tôi là một con người rất lạc quan, nênngay cả những lúc có khủng hoảng thì tôi vẫn rất lạc quan. Tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng.
Những gì xảy ra trong 2018 cho thấy biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế, nhất là những nước đang phát triển gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới, nhưng Việt Nam lại không đi cùng chiều đó. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng hơn 7%.
Ở Việt Nam còn có sự đa dạng của nền kinh tế, nên những tác động cũng không quá đáng lo ngại. Cụ thể, ngoài việc xuất nhập khẩu đóng góp vào sự tăng trưởng, tiêu dùng trong nước của chúng ta rất mạnh, thậm chí tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP. Những thói quen tiêu dùng và sự phát triển về tiêu dùng, dịch vụ trong nươc sẽ tạo đà phát triển hơn nữa cho nền kinh tế, nên theo tôi những biến động cho thị trường từ ngoài vào đâu đó có thể từ 0,3% tới 0,5% GDP, có lẽ sẽ không ảnh hưởng lớn hơn nữa.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam còn có nền tảng dân số trẻ, có khả năng học hỏi và lao động tốt nên năng suất lao động của người trẻ cũng sẽ tăng rất nhanh theo thời gian. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng cả nước sẽ được giữ vững. Đó cũng là những nền tảng để tôi lạc quan với chuyển động của nền kinh tế trong năm nay và trong nhiều năm tới.
Nếu nói riêng về tác động của các yếu tố bên ngoài tới ngành ngân hàng, tôi khẳng định nếu có thì chủ yếu từ phía các công ty trực tiếp đầu tư vào trong nước, và nếu họ dùng đầu tư trong nước để xuất khẩu thì có thể bị ảnh hưởng. Riêng Techcombank, chúng tôi không tập trung vào các doanh nghiệp thuộc nhóm này, mà tập trung vào các ngành nghề sản xuất trong nước và cho người dùng trong nước. Bên cạnh đó là hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ để đảm bảo được rằng, cho dù nền kinh tế trên thế giới có nhiều biến động thì Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh, các khách hàng thuộc nhóm ngành nghề mà chúng tôi chú trọng vẫn tiếp tục phát triển.
Đó là góc nhìn của tôi, và ở thời điểm này tôi vẫn rất lạc quan về 2019. Mặc dù một số chuyện trên thế giới cho rằng rất khó đoán, nhưng tôi vẫn tin rằng nội tại nền kinh tế Việt Nam rất vững vàng.
Techcombank đã có giai đoạn phát triển mạnh liên tục suốt hơn 3 năm qua với mức tăng trưởng tính bằng lần (cấp số nhân). Có không ít những lo ngại rằng khi tăng trưởng đã đến đỉnh thì sẽ thoái trào và điều đó có thể vận vào Techcombank, ông nghĩ sao về điều này?
Những gì đề cập có thể đúng ở trường hợp nào đó, đối với ai đó, còn tôi, như khẳng định ở trên, tôi luôn lạc quan.
Đầu tiên tôi phân tích về ngành ngân hàng nói chung. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng trong mức độ phát triển của hệ thống, nhất là phát triển bảng cân đối của các ngân hàng trong nước. Cơ quan quản lý luôn yêu cầu phải đảm bảo mức độ bền vững, và tôi cho rằng đây là điểm sáng của nền kinh tế.
Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhìn vào Việt Nam, chú tâm hơn vào ngành tài chính Việt Nam khi một năm qua dù thế giới có nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng Việt vẫn vượt lên. Điển hình nhất đó là xu hướng tăng vốn. Các ngân hàng tăng được vốn nên khi có vấn đề gì xảy ra họ vẫn có thể chống đỡ được, vẫn làm chủ được hoạt động.
Với riêng Techcombank, năm vừa qua chúng tôi đã tăng trưởng tốt và tăng được mạnh nguồn vốn chủ sở hữu. Cho đến nay, với 52.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, Techcombank đang là một trong vài ngân hàng có vốn cao nhất cả nước. Nhờ dòng vốn này, chúng tôi có cơ sở để phát triển mạnh trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào con người, vào công nghệ để phát triển bền vững, thay vì đuổi theo tín dụng vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dấu ấn định vị thương hiệu
Các ngân hàng hiện nay đều đưa ra định vị cho riêng mình để tạo dấu ấn riêng trên thị trường, có ngân hàng muốn thể hiện được đẳng cấp, có ngân hàng lại định vị họ năng động trẻ trung, còn Techcombank thì sao thưa ông?
Techcombank sẽ định vị thương hiệu của mình để thể hiện tầm nhìn và tầm vóc của ngân hàng kết nối sâu rộng vào đời sống của người dân và doanh nghiệp nhiều hơn là những con số bên ngoài. Cái nhìn đối với Techcombank sẽ rộng hơn, chứ không chỉ bó hẹp trong ngành tài chính. Như vậy, định vị ngân hàng sẽ thể hiện rõ cam kết của Techcombank với cộng đồng, với khách hàng và với người Việt.
Dường như các ông đang thể hiện rõ mục tiêu định vị ấy bằng các hành động cụ thể, ví dụ như giải Marathon năm vừa qua?
Đúng vậy. Bạn biết đấy, Việt Nam là một trong những nước có dân số trẻ nhất thế giới khi có tới 50% người dân dưới 30 tuổi. Khi con người năng động thì đất nước cũng thay đổi rất nhanh.
Ở ngân hàng chúng tôi cũng vậy. Có tới hơn một nửa cán bộ nhân viên tuổi dưới 30 nên chúng tôi đưa ra những chương trình thể thao nhằm khích lệ tinh thần thể thao trên diện rộng. Chẳng hạn với Marathon, Techcombank muốn tham gia tổ chức những giải thi đua mà tất cả mọi người, từ mọi độ tuổi, mọi tầng lớp cũng như mọi giới đều có thể tham gia được mà không cần đòi hỏi sự trang bị cầu kỳ. Chạy thì ai cũng có thể làm được, chỉ cần một đôi giày và một cái quần ngắn là có thể bắt đầu. Như ở ngân hàng chúng tôi hiện nay, cứ cuối tuần hoặc sau giờ làm việc là các bạn lại hẹn gặp nhau để chạy, chứng tỏ điều đó đã tác động thực sự tích cực tới đời sống và sức khỏe mọi người. Và từ những giải chạy này, chúng tôi muốn tạo được giá trị lớn nhất cho cộng đồng, để cộng đồng gắn kết lại với nhau hơn, có sức khỏe lành mạnh hơn.
Để kinh doanh tốt và đạt được những mục tiêu như ông vừa nói, rõ ràng ngân hàng phải cần đến những nhân sự tốt. Vậy hiện nay ở ngân hàng ông đang có những chính sách gì để thu hút người tài?
Đúng vậy, mọi thành công của ngân hàng đều dựa trên con người. Thế nhưng cái khó là ở chỗ làm sao để ngày càng có nhiều người cùng đồng hành, cùng làm việc chung và cùng một mục tiêu với mình. Và để thu hút người tài, chúng tôi biết rằng cái khó không phải là mức độ lương thưởng, không phải là công việc khó khăn hay dễ dàng, mà cái khó là làm thế nào phối hợp với nhau để cùng đạt được những mục tiêu lớn.
Bởi vậy tôi xác định ngân hàng cần có vài giá trị cốt lõi và một trong những giá trị cốt lõi của Techcombank là tinh thần phối hợp, tinh thần đồng đội. Chúng tôi liên tục cải thiện cách làm việc để giúp cán bộ nhân viên của mình đạt được mục tiêu, thành công của bản thân và của tổ chức. Mà muốn thành công thì tất cả mọi người cùng phải đồng hành và có tinh thần phối hợp, tinh thần đồng đội, qua đó mức độ hài lòng với công việc của họ sẽ tăng lên.
Hay nói rõ hơn, mức độ hài lòng không đơn thuần chỉ là mức độ lương thưởng, mà đó còn là những thành công trong công việc. Nếu không thành công thì lương thưởng sẽ không đến và ngược lại. Và khi cán bộ nhân viên làm tốt và thành công trong công việc, thì ngân hàng tổng thể mới thành công. Từ đó, đạt đượclợi nhuận cao và chia sẻ đến cán bộ nhân viên. Và có như vậy mức độ, vòng xoáy tích cực giữa ngân hàng với nhân viên sẽ tiếp tục đi lên.
Kỷ niệm về Tết
Là một Việt kiều, đã có rất nhiều năm ở nước ngoài thì cảm xúc của ông đối với Tết Nguyên đán của người Việt thế nào?
Tết với tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi nhớ lần đầu tiên đón Tết ở Việt Nam sau 40 năm xa nhà. Năm đó, các bạn trong Ngân hàng tặng cho tôi một cây mai để trước cửa nhà. Và một buổi sáng, tôi mở cửa ra thấy mai nở trước nhà, lúc đó tôi mới chợt nhớ lại Tết của những năm xưa. Cảm giác đó đã kéo tôi về hồi nhỏ dưới 10 tuổi – khi ấy năm nào nhà tôi cũng có cây mai – và những cảm xúc rất lạ, những kỷ niệm ùa về. Và từ đó tới nay tôi vẫn thường xuyên đón Tết ở Việt Nam.
Trong ngày Tết, ông thường làm những việc gì, có theo truyền thống như người Việt khác không, chẳng hạn tục lì xì đầu năm, xông đất…
Tết đối với tôi khá bận. Ngân hàng có truyền thống là mỗi năm trong những ngày Tết, th Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc sẽ đến thăm những chi nhánh xa hoặc những chi nhánh đạt thành tích cao để chúc Tết và lì xì cho cán bộ nhân viên. Nhiều người hỏi tôi sao không ra nước ngoài ăn Tết hay đi du lịch đâu đó, nhưng với tôi, những lần đến thăm anh chị em cán bộ nhân viên ở các chi nhánh dù phải đi xa, là rất đáng quý và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ truyền thống ấy trong những năm tiếp theo.
Còn với gia đình, người Việt mình có tục lì xì, và gia đình tôi cũng vẫn giữ phong tục đó. Chỉ khác là các con tôi đòi lì xì từ đêm 30 vì “đằng nào ba mẹ chẳng chuẩn bị sẵn rồi”, chứ không chờ đến sáng mùng 1.
Và người Việt mình vẫn cứ kiêng kị đầu năm mới, cho nên gia đình tôi thường ăn sáng xong rồi đi lòng vòng quanh phố. Tới mùng 2, mùng 3 thì mới gặp gỡ bạn bè và mùng 4 trở ra là đi chúc Tết các chi nhánh.
Trong năm mới Kỷ Hợi này, ông mong ước điều gì cho bản thân và người trong ngân hàng?
Tôi muốn nói lời cảm ơn tới tất cả mọi người, từ cán bộ nhân viên cho đến các thành viên trong Hội đồng quản trị đã rất nỗ lực để Techcombank có được thành công trong 3 năm qua. Trong năm mới, tôi chúc mọi gia đình được an khang thịnh vượng, hạnh phúc bên gia đình và thật nhiều sức khỏe.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông và chúc ông cùng gia đình một năm mới thật nhiều thành công, may mắn!