CEO người Việt của Telio bị tuyên thua kiện công ty cũ vì thiếu trung thực

Kim Dung

(Dân trí) - Nhà sáng lập kiêm CEO sàn thương mại điện tử Telio vừa bị Tòa án Cấp cao Singapore yêu cầu bồi thường và chuyển nhượng cổ phần cho công ty cũ của ông.

Tòa án tối cao Singapore ngày 16/6 đã đưa ra quyết định cuối cùng liên quan tới tranh chấp kéo dài 2 năm giữa ông Bùi Sỹ Phong và nhà đầu tư của OnOnPay (OOPA), gồm Captii Ventures và Gobi Partners. Hai nhà đầu tư này cáo buộc ông Phong dàn xếp các giao dịch với Telio mà không được sự đồng ý của họ cũng như chiếm đoạt cơ hội kinh doanh và sử dụng các nguồn lực của OOPA.

Phải chuyển cổ phần tại Telio, trả phí tố tụng 176.000 USD

Theo phán quyết cuối cùng, ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập kiêm CEO của Telio - bị yêu cầu chuyển cổ phần của ông tại Telio cho OOPA. Ngoài ra, ông phải trả toàn bộ phí tố tụng là 176.000 USD theo luật.

Thẩm phán Philip Jeyaretnam viết trong phán quyết rằng Telio được thành lập nhờ sử dụng các nguồn lực của OnOnPay, gồm nhân lực và mạng lưới kinh doanh. OnOnPay đã vận hành dịch vụ top-up (dịch vụ nạp thẻ điện thoại trực tuyến cho khách hàng có tài khoản ngân hàng) và ví điện tử ở Việt Nam nhưng cả hai đều không thành công.

Ông Phong và nhà đầu tư của OnOnPay được cho là đã xem xét một vài lựa chọn để rút khỏi công ty fintech này, trong đó bao gồm việc thành lập thực thể mới vận hành một doanh nghiệp nguồn cung trung tâm, tiền thân của Telio ngày nay. Tuy nhiên, thẩm phán khẳng định, ông Phong đã thành lập công ty mới mà ông là cổ đông duy nhất.

CEO người Việt của Telio bị tuyên thua kiện công ty cũ vì thiếu trung thực - 1

Bùi Sỹ Phong, người sáng lập và CEO của Telio (Ảnh: IT).

Theo bản án, ông Phong đã xin HĐQT của OOPA thành lập Telio, đồng thời đề xuất chia cổ phần tại Telio cho các thành viên HĐQT. Sau đó, ông Phong liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng và giới thiệu rằng Telio là công ty con của OOPA. Tuy nhiên, ông Phong không thông báo hoạt động gọi vốn cho các cổ đông của OOPA.

Cụ thể, ngày 19/3/2019, ông Bùi Sỹ Phong ký một bản điều khoản đầu tư và thỏa thuận cho vay chuyển đổi với Surge của Sequoia Capital khi Telio tham gia chương trình accelerator (nơi tiếp nhận những ý tưởng sơ khai, sau đó sàng lọc thật kỹ và lựa chọn ra những ý tưởng hay dự án tiềm năng, hay còn gọi là các hạt giống). "Các giám đốc khác của OOPA không hề biết về mối liên quan giữa Telio và Surge mãi cho tới sau khi Surge thực hiện đầu tư", ông Jeyaretnam, thẩm phán, cho hay.

OOPA được cho là đã đưa ra quyết định về một kế hoạch hành động nhằm đòi quyền lợi của họ đối với Telio, nhưng không được giải quyết. Do đó, OOPA đành phải đâm đơn kiện vào ngày 6/9/2019.

Có gì trong bản tài liệu 38 trang?

Trong nội dung tự bào chữa, ông Phong được cho là đã khẳng định bản thân mới là chủ của Telio và ông đã cởi mở và chân thành đàm phán với Captii về việc xây dựng một nền tảng B2B. Ông khẳng định chính Captii vì tham lam nên xúi giục các nhà đầu tư tham gia tố tụng. Ông Phong cho rằng Captii muốn lợi dụng vụ kiện để gây sức ép lên ông bằng cách khiến các nhà đầu tư khác xa lánh ông, từ đó tước đoạt lợi ích từ ông. Tuy nhiên, lời bào chữa của ông Phong không được thẩm phán đồng thuận.

Bản tài liệu dài 38 trang đưa ra các email và tin nhắn tương tác giữa ông Phong và các nhà đầu tư của OOPA đã chứng tỏ quyền sở hữu của OOPA với Telio, đồng thời cáo buộc ông chiếm đoạt cơ hội kinh doanh mà OOPA đang theo đuổi, từ đó vi phạm nghĩa vụ ủy thác mà OOPA giao cho ông.

Thẩm phán khẳng định: "Vấn đề không phải là việc ông Phong cho các nhà đầu tư OOPA cổ phần miễn phí trong Telio, mà vấn đề là Telio thuộc về OOPA".

Bùi Sỹ Phong là một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Ông thành lập startup công nghệ tài chính OnOnPay (ví điện tử và dịch vụ nạp tiền điện thoại) vào năm 2014. Nền tảng này hiện không còn hoạt động.

Sau đó, OOPA được lập ra ở Singapore như một đơn vị sở hữu OnOnPay. Đến tháng 6/2020, ông Bùi Sỹ Phong ngỏ ý muốn giải quyết vấn đề với các nhà đầu tư OOPA song họ không đồng ý, Tech in Asia viết. Theo một hồ sơ pháp lý, ông Bùi Sỹ Phong đang nắm 67,7% cổ phần Telio.

Telio được thành lập vào năm 2018. Startup thương mại điện tử B2B này đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, đã huy động được hơn 25 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm Tiger Global, Sequoia Capital, GGV Capital và RTP Global.