Chủ tịch Vietcombank tiết lộ gì về tổ chức tín dụng sắp nhận chuyển giao?
(Dân trí) - Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng chưa khẳng định được sẽ nhận chuyển giao đơn vị nào nhưng với sự hỗ trợ thì dù đó là bất cứ ai thì ngân hàng vẫn có khả năng xử lý.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) diễn ra sáng nay (29/4), câu hỏi được cổ đông đặt ra nhiều nhất là liên quan tới tổ chức tín dụng (TCTD) mà ngân hàng này sắp nhận chuyển giao bắt buộc. Trước đó, ngân hàng bổ sung tờ trình về việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD ngay trước ngày diễn ra phiên họp thường niên.
Một cổ đông đặt ra câu hỏi liên quan đến TCTD mà Vietcombank sẽ tiếp nhận chuyển giao là đơn vị gì, có tình hình tài chính, lỗ lũy kế như thế nào, tổng tài sản đang sở hữu là bao nhiêu và dự kiến bao lâu thì xử lý xong.
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank - cho biết, ngân hàng đang triển khai các thủ tục để làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước. Cho tới thời điểm này, Vietcombank chưa khẳng định được sẽ nhận chuyển giao TCTD nào.
Các TCTD yếu kém ở đây đều nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên Vietcombank có thể nhận chuyển giao bắt buộc một trong số đó. Sau khi hoàn thành các thủ tục, ngân hàng sẽ thông tin cho cổ đông về TCTD nhận chuyển giao.
"Câu hỏi về thời gian bao lâu thì xử lý xong TCTD phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là phụ thuộc vào tình hình của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Thứ hai là quy mô, mức độ hỗ trợ mà chúng ta sẽ nhận được từ các cơ quan có thẩm quyền. Thứ ba là phụ thuộc vào diễn biến thị trường", ông Dũng nói.
Chủ tịch Vietcombank tự tin khẳng định, với sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quyết tâm của Vietcombank thì dù là bất cứ TCTD nào, ngân hàng cũng có khả năng xử lý và đưa TCTD này về tình trạng hoạt động bình thường. "Với những hỗ trợ theo quy định mà ngân hàng nhận được, thời gian xử lý TCTD trên sẽ không quá 8 - 10 năm. Ngân hàng sẽ biến những tổ chức này thành các TCTD lành mạnh và hoạt động bình thường'', ông Dũng khẳng định.
Giải trình về khoản nợ xấu có khả năng mất vốn là 4.000 tỷ đồng liên quan đến một TCTD, theo ông Dũng, ngân hàng đã thu hồi được 3.000 tỷ đồng và chỉ còn 1.000 tỷ đồng. "Về cơ bản, ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro liên quan đến tổ chức tín dụng này", ông Dũng nói.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank, thông tin thêm, khoản nợ 4.000 tỷ đồng liên quan đến Ngân hàng Xây dựng. Đến nay, Vietcombank đã thu hồi được 3.000 tỷ đồng, thực hiện hoàn nhập dự phòng trong quý I.
Tại phiên họp, ban lãnh đạo Vietcombank cũng trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019, 2020. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ là 18,1%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới. Dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.
Giải thích về việc tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết sẽ dùng vào việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định (khoảng 500 tỷ đồng). Đồng thời, ngân hàng sẽ mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác.