1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

CEO Kido nói gì về việc thoái vốn khỏi chuỗi cà phê chỉ sau hơn một năm?

Việt Đức

(Dân trí) - Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào 4 mảng kinh doanh dầu ăn, kem, bánh kẹo, các loại nước chấm, thu hút các tập đoàn lớn của nước ngoài cùng hợp tác.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) sáng 20/12, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên cho biết chiến lược sắp tới của doanh nghiệp là tách 4 mảng kinh doanh riêng biệt gồm dầu ăn, kem, bánh kẹo, nước mắm và các loại nước chấm.

Vì sao lợi nhuận sau thuế 9 tháng giảm 24%? 

Về tình hình kinh doanh năm nay, doanh thu lũy kế 9 tháng của doanh nghiệp đạt gần 9.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 24% còn 370 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông, đại diện ban điều hành tập đoàn cho biết ngành hàng dầu ăn chiếm trên 80% tổng doanh thu chưa bao giờ chứng kiến giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh bất thường như năm nay.

Cụ thể, giá dầu cọ từ mức 1.181 USD/tấn vào tháng 9/2021 tăng vọt lên 1.777 USD/tấn vào tháng 3 năm nay. Nhưng trong 6 tháng sau đó, mặt hàng này lại lao dốc còn 909 USD/tấn vào tháng 9. Ông Nguyên cho biết trong năm tới, nếu tình hình giá nguyên vật liệu ổn định hơn, lợi nhuận của công ty sẽ tốt hơn.

Dù vậy, ông đánh giá ngành hàng thiết yếu vẫn thuận lợi hơn so với một số lĩnh vực như bất động sản đang rất khó khăn, phức tạp. "Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất thiếu vốn, muốn huy động vốn nhưng rất khó. Chúng tôi vẫn có nguồn tài chính tốt để chia cổ tức đặc biệt, mua lại cổ phiếu quỹ để tăng giá trị cho cổ đông. Với nguồn tiền mặt có sẵn, chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số hoạt động mua bán sáp nhập (M&A)", ông Nguyên chia sẻ với Dân trí. 

CEO Kido nói gì về việc thoái vốn khỏi chuỗi cà phê chỉ sau hơn một năm? - 1

Ông Trần Lệ Nguyên (ngồi giữa) điều hành phiên họp sáng 20/12 (Ảnh: KDC).

Phiên họp đại hội cổ đông bất thường của Kido sáng 20/12 cũng đi tới thống nhất chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 50%. Với mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ nhận 5.000 đồng. Tổng số tiền doanh nghiệp dùng để chia cổ tức lần này lên tới hơn 1.300 tỷ đồng. 

Song song đó, doanh nghiệp sẽ mua lại 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, giảm bớt lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Mục đích là ổn định giá cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động như hiện nay.

Tập trung vào 4 lĩnh vực, liên doanh nhà đầu tư ngoại

Dầu ăn và kem hiện là những ngành hàng chủ lực của Kido. Trong khi đó, dù mới quay lại với ngành hàng bánh kẹo trong 2 năm qua, Kido không lạ lẫm gì với thị trường này. Đây chính là lĩnh vực chủ chốt suốt hàng chục năm của tập đoàn này trước khi Kido chuyển nhượng lại mảng kinh doanh này cho đối tác ngoại vào năm 2015. Ngược lại, nước mắm và các mặt hàng nước chấm sẽ là sân chơi hoàn toàn mới với tập đoàn thực phẩm của anh em doanh nhân Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên. 

Trao đổi với Dân trí sau phiên họp cổ đông bất thường, ông Trần Lệ Nguyên cho biết quyết định tách 4 mảng kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội từ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, hiện có nhiều đối tác ngoại quan tâm đến từng lĩnh vực của Kido. Tuy nhiên, họ lại không sẵn sàng đầu tư vào cả tập đoàn. 

"Có nhà đầu tư rất muốn tham gia với chúng tôi trong mảng dầu ăn nhưng họ lại không muốn đầu tư vào ngành kem hay bánh kẹo hoặc ngược lại. Do đó, chúng tôi phải vận động theo xu hướng", ông Nguyên chia sẻ.

CEO Kido cho biết tập đoàn đang làm việc với một số đối tác nên chưa thể công bố thông tin cụ thể nhưng hình thức sẽ là liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia. Việc hợp tác, chuyển giao công nghệ với đối tác vừa giúp Kido có thêm sản phẩm đưa vào các hệ thống bán hàng sẵn có trong nước, vừa mở ra cơ hội xuất khẩu đi nhiều nước nên triển vọng doanh số rất lớn.

Ngoài ra, Kido cũng vừa thông báo thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TTV sau hơn một năm thành lập. Công ty TTV có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 61% thuộc sở hữu của Kido, đang vận hành chuỗi cửa hàng trà - cà phê thương hiệu Chuk (tên cũ Chuk Chuk). Theo ông Nguyên, hệ thống F&B sẽ tách ra khỏi Kido, độc lập hoàn toàn. Việc đó cũng giúp chuỗi cà phê này có thể phát triển nhanh, linh hoạt hơn. 

Trước đó, Kido cũng đã công bố dừng hoạt động liên doanh Vibev sau một năm tung ra thị trường những sản phẩm đầu tiên. Ông Nguyên chia sẻ thời điểm hiện tại, thị trường chung khó khăn trong khi liên doanh mới ra đời, còn đi chậm. Nếu muốn đi nhanh, Kido và Vinamilk sẽ phải đầu tư rất lớn. Cả hai bên đều chưa mong muốn điều này sau khi cân nhắc, vì trong bối cảnh hiện nay thì phải ưu tiên phòng thủ hơn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm