"Cây tỷ đô" mắc ca và nỗi lo "ném tiền qua cửa sổ"

(Dân trí) - Hiện tại, nhiều địa phương tại Việt Nam - đặc biệt là Tây Nguyên - đang trồng, nhân giống và cho thu hoạch mắc ca. Tuy nhiên, để loại cây này phát triển bền vững vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Liên tiếp các khuyến cao về việc phát triển nóng cây mắc
Liên tiếp các khuyến cao về việc phát triển "nóng" cây mắc ca được đưa ra trong thời gian gần đây.

Mắc ca được mệnh danh là “cây tỷ đô” với kỳ vọng sẽ giúp người nông dân thoát nghèo, thậm chí trở lên giàu có, đồng thời mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Hiện tại, nhiều địa phương tại Việt Nam - đặc biệt là Tây Nguyên - đang trồng, nhân giống và cho thu hoạch mắc ca. Tuy nhiên, để loại cây này phát triển bền vững vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

 

Liên tiếp cảnh báo từ các địa phương

 

Tại buổi họp thường kỳ diễn ra đầu tháng 5 mới đây, ông Trần Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích cây mắc ca. Theo ông Hiếu, “qua khảo sát trên toàn bộ diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh cho thấy, cây sinh trưởng tốt và cho hoa nhưng tỷ lệ cho quả thấp nên phát triển ồ ạt mắc ca sẽ rất nguy hiểm”.

 

Trước Đắk Lắk, 2 địa phương là Lâm Đồng và Quảng Ngãi cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo người nông dân nên cẩn trọng với mắc ca. Trước đề xuất phát triển cây mắc ca tại tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nói thẳng là sẽ không trồng ồ ạt 200.000 ha như đề xuất vì đây là loại cây trồng quá mới và thị trường chưa rõ. 

 

Phía tỉnh Quảng Ngãi còn ban hành cả công văn nêu rõ quan điểm, không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. Theo Chủ tịch Quảng Ngãi, việc phát triển trồng cây mắc ca trên qui mô lớn nhất thiết phải đảm bảo các điều kiện và khi tổ chức phát triển trồng mới cây mắc ca phải gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.  Bên cạnh đó, tỉnh chỉ cho phép trồng các loại cây mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

 

Trước đó, để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân gây trồng cây mắc ca, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản đề nghị các địa phương không triển khai trồng cây này trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. 

 

Bộ chủ quản cho rằng, hiện chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch mắc ca, do đây là loại cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm còn cho nhiều kết quả khác nhau và cũng cần xem xét thêm các vấn đề chế biến, thị trường. Theo Bộ chủ quản, không nên "nóng vội" phát triển tràn lan loại cây trồng này, tổng diện tích cây trồng mắc ca cả nước đến năm 2020 chỉ nên dừng ở con số 10.000 ha. 

 

Hướng đi nào cho “nữ hoàng” mắc ca?

 

Theo các chuyên gia trong ngành, mắc ca là một loại cây kén đất, kén khí hậu nên không phải vùng nào cũng trồng được. Loại cây này ưa khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, sinh trường và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20-25 độ C, lượng mưa hàng năm 1.500-2.500 mm, độ cao 300-1.200 m. Đất trồng mắc ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Trồng cây mắc ca ở những nơi bị gió mạnh, sương muối, mưa phùn vào thời điểm thụ phấn sẽ giảm khả năng đậu quả. 

 

Ông Nguyễn Đức Phong, Uỷ viên chuyên trách, kiêm Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: “Việc phát triển mắc ca phải làm từng bước, không thể ném tiền qua cửa sổ được. Cần phải xem xét thổ nhưỡng, khí hậu của vùng trồng và nghiên cứu các vấn đề về giống cây trồng, vấn đề bao tiêu sản phẩm, trong đó chú ý tới khâu chế biến, tìm thị trường và bảo quản”. 

 

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam, để mắc ca có đủ điều kiện để trở thành một cây trồng chủ lực thì cần phải có sự quản lý, điều hành của Nhà nước một cách hiệu quả. Do đó, TS Ngọc cho rằng cần phải xác định vùng trồng mắc ca ở đâu cho phù hợp khi mà hiện nay chúng ta mới chỉ ra vùng trồng được chứ chưa có xác định cụ thể. Bên cạnh đó còn là vấn đề về thị trường, bởi cây mắc ca sẽ không có hiệu quả như mong đợi nếu không nắm bắt được quy trình kỹ thuật và thị trường.

 

“Theo tôi, làm như thế nào, tổ chức ra sao, để đi đúng hướng từ quy hoạch vùng trồng, cây giống, gắn kết với nông dân về cả kỹ thuật và nguồn vốn. Tại sao hành tây dư thừa không bán được, dưa hấu đổ đi cho trâu bò ăn không hết? Cần phải có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp để kết nối được các quy trình từ thu mua cho đến sản xuất”, ông Ngọc nhấn mạnh.

 

Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho rằng, để phát triển mắc ca thành một ngành hàng, chúng ta cần quan tâm tới thương hiệu ngay từ bây giờ, chứ không phải để đến lúc sản phẩm ra đến thị trường. Và để có được sản phẩm mắc ca đồng đều, đạt chuẩn quốc tế, phải sử dụng giống đã được quốc tế nghiên cứu và đánh giá là giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại.

 

Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”