Cây thuốc quý chảy sang Trung Quốc

Cần có biện pháp ngăn chặn người dân ở Nghệ An vào rừng lùng sục tìm cây thuốc quý bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Thời gian gần đây, ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp... xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt vào rừng khai thác các loại cây thuốc bán cho thương lái đưa đi Trung Quốc.

Mặc sức mua bán

Có mặt tại xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp vào sáng 5-5, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều thương lái tất bật thu mua các loại cây dược liệu như cu li, ba gạc, huyết đằng, củ ba mươi... Hàng chục tấn dược liệu được thương lái phơi, đổ tràn ra bãi đất trống bên Quốc lộ 48C.

Trong vai thương lái, chúng tôi tiếp cận điểm tập kết cây dược liệu này. Chị Sầm Thị T., một

Người dân huyện Quỳ Hợp thu gom cây ba gạc, huyết đằng bán cho thương lái đem sang Trung Quốc
Người dân huyện Quỳ Hợp thu gom cây ba gạc, huyết đằng bán cho thương lái đem sang Trung Quốc

 người làm công tại điểm tập kết, tiết lộ: “Các loại cây dược liệu được người dân vào rừng khai thác rồi bán cho thương lái. Cứ vài ba ngày, bà chủ ở thị trấn Quỳ Hợp cho xe tải đến chở sang Trung Quốc bán, mỗi xe khoảng 10 tấn. Hàng thu gom đợt này nhiều nên ngày nào bà chủ cũng thuê 5-6 người làm nhưng không hết việc”.

Rời điểm tập kết tại xóm Đồng Nại, đi dọc Quốc lộ 48C từ huyện Quỳ Hợp sang huyện Tương Dương, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người dân vào rừng khai thác cây dược liệu. Anh Vi Văn Hòa, xã Yên Na, huyện Tương Dương, cho biết: “Cây cu li người Thái gọi là cây cút năng ni, khi bị đứt tay, chảy máu chỉ cần lấy lông cây đắp vào là cầm máu ngay. Trước đây, cây này mọc trong rừng nhiều lắm nhưng giờ ít dần do người dân chặt bán kiếm kế sinh nhai. Để có một bao cu li khoảng 20 kg, phải mất cả ngày lùng sục rừng sâu mới lấy được”. Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An, xác nhận: “Khoảng 2 tháng trở lại đây, xuất hiện tình trạng nhiều người dân xã Yên Na vào rừng chặt cây cu li bán cho thương lái đem sang Trung Quốc”.

Bỏ mặc cho rừng bị phá

Tình trạng người dân đổ xô vào rừng khai thác và thương lái thu mua, tập kết dược liệu diễn ra công khai. Thế nhưng, chính quyền địa phương, ngành chức năng gần như đứng ngoài cuộc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-5, ông Nguyễn Hữu Hiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp, thừa nhận: “Việc người dân khai thác, thương lái thu mua các loại lâm sản phụ, cây dược liệu là có, chúng tôi bắt và xử lý được một số vụ. Tuy nhiên, thương lái mở điểm tập kết, rầm rộ thu mua như thông tin các anh phản ánh giờ chúng tôi mới biết. Chiều nay, tôi sẽ cho anh em kiểm tra và xử lý ngay”.

18 giờ cùng ngày, phóng viên quay lại khu vực xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, hoạt động mua bán, thu gom vẫn diễn ra bình thường nhưng chẳng thấy bóng dáng của lực lượng chức năng như phát biểu của ông hạt trưởng. Hàng chục tấn ba gạc, cu li, huyết đằng được các đầu nậu tập kết, phơi công khai bên Quốc lộ 48C.

Việc người dân vào rừng khai thác cây thuốc quý bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc khiến nhiều diện tích rừng bị phá, sự đa dạng sinh học của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An, lo lắng: “Người dân ồ ạt kéo nhau vào rừng khai thác các loại dược liệu khiến rừng bị phá, hệ sinh thái rừng bị đe dọa, nhiều loài cây dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp, có biện pháp bảo vệ”.

Thu mua với giá rẻ mạt

Tình trạng thương lái thu gom các loại cây dược liệu quý bán sang Trung Quốc xuất hiện tại các huyện miền núi ở Nghệ An từ nhiều năm gần đây. Năm 2011, thương lái ồ ạt thu gom cây huyết đằng; năm 2013 thu mua đỉa, lá cây cò ke; năm 2014 thu mua cây ba gạc...

Được biết, cây ba gạc, huyết đằng, cu li, củ ba mươi là những loại dược liệu quý, có tác dụng chữa một số loại bệnh đường tiêu hóa, thần kinh, cầm máu... Tuy nhiên, các loại cây dược liệu quý này đang bị thương lái thu mua với giá rẻ mạt: cây cu li giá từ 1.500-2.000 đồng/kg, ba gạc khô giá 5.000-6.000 đồng/kg, huyết đằng khô 1.500-2.000 đồng/kg, củ ba mươi khô 30.000 đồng/kg...

 
Theo Đức Ngọc
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”