“Cây gậy” bảo vệ “thượng đế”

(Dân trí) - Hôm nay (1/7), Luật Bảo vệ Người tiêu dùng có hiệu lực. Người dân Việt Nam có quyền tin tưởng đã có thêm một "cây gậy" để bảo vệ quyền lợi của mình trong tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tràn lan như hiện nay.

Tất nhiên, sẽ không có "cây gậy thần" nào để chấm dứt ngay tình trạng quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) bị xâm hại, nếu các nhà quản lý chưa có những biện pháp đủ quyết liệt để đẩy lùi sự mập mờ hàng hóa trên thị trường vốn kéo dài từ chợ truyền thống đến các nhà phân phối mà minh chứng nóng hổi nhất là các công ty bán hàng qua truyền hình Happy Shopping, VietHome Shopping...
 
“Cây gậy” bảo vệ “thượng đế” - 1
NTD sẽ được bảo vệ hữu hiệu bằng "cây gậy pháp lý" từ 1/7?

 

Nhưng với Luật Bảo vệ NTD, NTD có một công cụ định chế pháp lý để thể hiện quyền của mình, từ quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, góp ý... đến quyền được khiếu nại, đòi bồi thường, được tư vấn, hỗ trợ. Để điều đó trở thành hiện thực, không chỉ các DN mà chính NTD cũng cần một "cuộc cách mạng thói quen", như cách đây vài năm đã từng làm đối với việc đội mũ bảo hiểm vậy.

 

"Cuộc cách mạng thói quen"

 

8 quyền của NTD theo Luật:

 

- Quyền được an toàn
- Quyền được thông tin
- Quyền được lựa chọn
- Quyền được lắng nghe
- Quyền được tham gia xây dựng chính sách bảo vệ NTD
- Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại, được khiếu nại - tố cáo - khởi kiện
- Quyền được tư vấn, hướng dẫn kiến thức tiêu dùng
- Quyền được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh.

Chưa có bảng xếp hạng nào về mức độ được bảo vệ của NTD giữa các quốc gia trên thế giới, để thấy các "thượng đế" Việt đang khổ sở như thế nào trước một thị trường không thiếu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tiếp thị, quảng cáo bằng nhiều cách thức khác nhau qua nhiều kênh khác nhau một cách khó kiểm soát mức độ xác thực.

 

Nhưng có vài con số biết nói: ở VN, trung bình hàng năm có khoảng 1.000 vụ kiện liên quan hàng giả, hàng nhái; con số này ở Pháp là... 200.000 vụ. Quan trọng hơn, hầu như chưa có vụ kiện nào kiểu này có kết cục như mong muốn. Ngoài ra, đã có hàng nghìn sự việc được phản ánh: từ khách hàng "tố" nhân viên hàng không đối xử thô bạo, sữa "thối", bia khuyến mãi... thủy tinh, bán nhà trên giấy, xăng pha nước lã, siêu thị khuyến mãi "lừa"... nhưng hy hữu mới có NTD "chiến thắng". NTD VN có, hoặc bị buộc phải giữ, thói quen giận xong rồi thôi.

 

Một con số khác, năm 2010 Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD VN (VINASTAS) tiếp nhận và xử lý 116 vụ vi phạm quyền lợi NTD, con số chưa nói lên được nhiều điều trong một đất nước 86 triệu dân, một thị trường bán lẻ hấp dẫn hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 20%.

 

Theo ông Đỗ Gia Phan - UVTV VINASTAS, hiện nhận thức về quyền của NTD ở VN chưa đầy đủ nên có rất nhiều trường hợp chưa có ý thức tự bảo vệ hoặc nhờ cơ quan chức năng bảo vệ.

 

Điều này, một phần xuất phát từ thói quen cố hữu "mua đứt bán đoạn", "đã mua hàng không trả lại" từ hình thức chợ truyền thống, và chưa kịp thay đổi khi các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ ồ ạt ra đời. Và một phần, cũng do ý thức tự bảo vệ của NTD và các định chế pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ khiến nhiều DN luôn "nắm đằng chuôi" trong mối quan hệ với khách hàng, NTD.

 

Khi Luật BV NTD ra đời, NTD có quyền tin sẽ không còn tình trạng trong hợp đồng giữa khách hàng với một ngân hàng nọ có câu "Nếu có bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích ngôn ngữ của hợp đồng thì việc giải thích ngôn ngữ hợp đồng theo ý chí của ngân hàng được ưu tiên áp dụng", hay việc một khách hàng đòi bồi thường chai bia có dị vật và được đại diện nhà máy trả lời là "chúng tôi sẽ không để khách hàng "bóp cổ" mình"!

 

Đến "cuộc cách mạng ý thức"

 

Trong cuộc trao đổi với báo giới về nội dung Luật BV NTD, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết: Luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi và có kết quả cao hơn.

 

NTD VN có quyền kiện "xuyên quốc gia"

 

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh: Việt Nam sẽ ký các thỏa thuận bảo vệ NTD xuyên biên giới, trở thành đối tác thứ 41 của Tổ chức Bả vệ quyền lợi NTD thế giới. Các công dân nước ngoài đến sinh sống, học tập ở Việt Nam, nếu mua hàng hóa ở Việt Nam mà khi về nước mới phát hiện thì có thể kiện ngược lại, và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ xử lý. Ngược lại, công dân Việt Nam nếu mua phải hàng hoá kém chất lượng ở nước ngoài cũng có thể kiện các doanh nghiệp nước ngoài.

Với Luật BV NTD, các "thượng đế" sẽ có 8 quyền cụ thể, phù hợp với các quyền đã được Liên Hiệp Quốc thông qua: Quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý; được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền được khiếu nại và bồi thường; được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

 

Ngoài quy định quyền của NTD, Luật cũng quy định chặt chẽ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: niêm yết giá, cảnh báo khả năng gây ảnh hướng đến sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa, cung cấp hương dẫn sử dụng, thay thế linh kiện, điều kiện bảo hành...

Tại Hội thảo ngày 29/6 về chủ đề Bảo vệ NTD, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho rằng tình trạng NTD bị xâm hại sẽ thay đổi tích cực với những quy định tiến bộ, đồng bộ và chặt chẽ của Luật. The ông Huỳnh, luật đã cụ thể hóa được từng quyền của NTD cũng như các cơ quan có chức năng giải quyết khiếu nại của NTD.

Theo Luật, khi giải quyết tranh chấp tại tòa, NTD không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của nhà cung cấp, mà chính nhà cung cấp phải chứng minh điều ngược lại. Điều này, dường như sẽ giúp NTD xoay chuyển vị thế trong giao dịch với bên bán, vốn lâu nay NTD thường "cầm đằng lưỡi" trong mọi tranh chấp phát sinh.

Xoay quanh Luật, có 3 đối tượng được nhắc đến trong mối quan hệ thực hiện quyền được bảo vệ của NTD: nhà nước, "bên bán" và NTD. Trong buổi công bố Luật, nhiều người đã băn khoăn mỗi bên cần phải làm gì để Luật thực sự trở thành "cây gậy" cho NTD. Có người cho rằng không nên dùng cụm từ "NTD thông thái", mà các DN và cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động bảo vệ NTD. Cục Quản lý Cạnh tranh cũng nhấn mạnh đặc biệt vai trò của chính DN trong việc thực thi Luật này.

 

Tuy nhiên, đúng như ông Đỗ Gia Phan nói, không ai có thể hàng ngày đứng ra bảo vệ liên tục 90 triệu NTD trong hàng tỷ giao dịch. NTD cần có kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình bằng các quyền được pháp luật quy định, và yêu cầu sự bảo vệ của các cơ quan chức năng khi thấy quyền hợp pháp của mình bị xâm phạm.
 
Sự thay đổi ý thức "mua đứt bán đoạn", "khôn nhờ dại chịu" và "chấp nhận cầm đằng lưỡi" sẽ chính là chìa khóa mở ra cánh cửa an toàn, được bảo vệ cho chính NTD.

 

Hồng Kỹ