Người tiêu dùng mong ngóng ngày 1/7
(Dân trí) - Với tình trạng bát nháo về nguồn gốc xuất xứ cũng như giá thành các loại hàng hóa có mặt trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng không biết tin vào đâu bởi ngay cả những sản phẩm có tem của QLTT cũng chưa chắc đã... tin được.
Ngày 1/7 tới đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) sẽ có hiệu lực. Bởi vậy, đó cũng là ngày mà người tiêu dùng (NTD) ngóng đợi lâu nay (có lẽ dù cũng không được tin tưởng về hiệu quả cho lắm).
Thị trường sữa nhập khẩu quản lí chưa chặt đã trở thành miếng mồi béo bở cho các doanh nghiệp (nguồn ảnh: internet)
“Tại sao trái cây Trung Quốc mà lại dán nhãn mác trái cây của các nước châu Âu được? Cái nhãn mác đó là thật hay giả, người dân tự chế ra hay do cơ quan nào cấp? Liệu cơ quan QLTT có phát hiện và kiểm soát được các loại nhãn mác đó? Và cơ quan QLTT đã thực sự chủ động quan tâm xử lý chưa, hay chỉ khi cơ quan báo chí nêu ra mới vào cuộc xử lý điểm vài trường hợp?”
Sau khi đọc hai bài viết mới nhất được đăng trên Dân trí Bát nháo thị trường trái cây nhập ngoại của tác giả Anh Thế - Quốc Đô và Sữa bột trẻ em: Quảng cáo tùy tiện, không niêm yết giá của tác giả Lan Hương, nhiều bạn đọc lại bày tỏ bức xúc:
“Cần có biện pháp cứng rắn hơn! Tại sao vẫn tiếp diễn mãi tình trạng này. Nhà thì có cửa có cổng hẳn hoi. Bất kì ai muốn vào hay mang đồ vào biếu, mua bán gì, cũng có người cho phép chứ! Hoặc giả nếu vô phép thì phải xử thật công minh chứ.
Tôi cũng như mọi người dân đều mong có một cuộc sống yên bình, an toàn. Hàng ngày chúng tôi vẫn làm việc, đóng góp vào xã hội, thực hiện nghĩa vụ công dân đầy đủ. Nếu giao hết trách nhiệm quản lý cho Nhà nước, người dân trở thành vô trách nhiệm. Nhưng có những trường hợp dân thiếu hiểu biết, dân tham cái lợi trước mắt thì quyền hạn và trách nhiệm của các nhà chức trách, ban quản lý thị trường nhập khẩu, kể cả vai trò rất lớn của cục hải quan ở đâu?
Đây không còn là cơ hội để đưa nhau ra bàn cân đong đếm tiền nữa. Đâu thể có tình trạng người bán đong tiền rủng rỉnh thì tha, còn để mặc dân chịu bao nhiêu hệ lụy và mãi lo lắng về chất lượng hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng mãi vậy được.
Tôi nghĩ nhà nước mình cần có nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa. Việc xuất hàng qua biên giới không kiểm soát được cũng có nguy cơ rất lớn...” - Mỹ Hồng: nthm6685@yahoo.com
"Nước mình rất phong phú về các loại hoa quả, tội gì phải đi ăn những loại hoa quả nhập ngoại vừa nhiều chất bảo quản vừa dễ bị hàng giả..." - bạn Nguyen Thao: thuthaona@yahoo.com đưa ra lời khuyên.
“Cần xem lại thủ tục nhập khẩu và chức năng quản lý thị trường. Biết có sai phạm nhưng không xử, dân bị ngộ độc (hay tử vong) thì tính sao đây?” - Nguyễn Toàn: toannd135@gmail.com
“Trước tiên người tiêu dùng phải lựa chọn những sản phẩm an toàn. Tôi thấy nếu trái cây nước ngoài nhập về VN thì mất thời gian dài, vậy độ an toàn là sao? Nhà nước cần kiểm tra và xử lý triêt để những loại trái cây chưa qua kiểm dịch” - Nghia: nguyennghiant@yahoo.com.vn
“Nhà nước phải có biện pháp xử lý chứ cứ như vậy thì trẻ em nghèo không biết uống sữa là gì? Chỉ khổ các em bé sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp,t hiệt thòi đủ mọi thứ. Đến cả sự sinh trưởng cũng kém phát triển do giá sữa quá đắt, nên các em cũng bị hạn chế và có thể bị cắt uống sữa hẳn khi tuổi vẫn còn phải uống sữa. Vậy thì làm sao các em có thể khoẻ mạnh, thể lực tốt và thông minh được để mà học giỏi, sau này mới thoát khỏi cái nghèo chứ” - Trần thị Hoàn: chaunamhoan7806@yahool.com
“Cần phải giáo dục về lương tâm và đạo đức trong kinh doanh. Phải như người Nhật, nếu có lương tâm và đạo đức, có ý thức với cộng đồng, xã hội thì những doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ không còn có thể lộng hành nữa” - Thuha: thuhavba@yahoo.com
“Sữa nhập khẩu chỉ 1 số ít là chất lượng tương đương với giá bán, còn lại đều đặt hàng từ bên kia hết. Giá bán hiện nay là giá ảo, siêu lợi nhuận, móc túi người tiêu dùng. cơ quan có thẩm quyền biết hết nhưng họ làm ngơ hoặc xử lý cho có lệ. Đến bao giờ sữa bột do Việt Nam ta sản xuất mới được người tiêu dùng ưa chuộng và ủng hộ, lựa chọn? Mà cũng không riêng gì công ty sữa đâu nhé!” - NGUOI VIET: mr.hoanghanoi@gmail.com
Để người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm nội địa, các nhà sản xuất luôn phải đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu (nguồn ảnh: internet)
“Hãy dùng hàng Việt Nam là bạn đã thúc đẩy kinh tế của nước mình rồi đó. Hàng ngoại chưa chắc đã là tốt. Bạn thử nghĩ về đất nước Việt Nam nếu phụ thuộc vào hàng ngoại thì bao giờ con cháu chúng ta mới phát triển được” - thanh nga: ngathanh@yahoo.com
“Nước mình rất phong phú về các loại hoa quả, tội gì phải đi ăn những loại hoa quả nhập ngoại vừa nhiều chất bảo quản vừa dễ bị hàng giả. Tốt nhất cứ mùa nào thức nấy mà ăn. Ví dụ như bây giờ đang là mùa vải, vừa rẻ vừa ngon. Hãy là người tiêu dùng thông minh, đừng có sính ngoại mà bị lừa” - Nguyen Thao: thuthaona@yahoo.com
“Không biết các bạn suy nghĩ sao về các mặt hàng nhập khẩu, nhưng tôi nghĩ thế này: Việt Nam là đất nước của nền nông nghiệp và điều này trên thế giới ai cũng có thể biết khi nhắc về Việt Nam. Chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài nhiều nhất cũng là các sản phẩm từ nông, ngư nghiệp. Vì vậy, chẳng có lý do gì chúng ta phải dùng những mặt hàng này nhập từ nước ngoài. Các bạn hãy nhớ lấy câu “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, để thấy đây là việc cần làm” - Quyendcn: colyminhkhai@gmail.com
Nhưng để người dân có lòng tin và sử dụng hàng hóa nước nhà, từ nhà nông cho đến các nhà máy sản xuất lớn phải đảm bảo cũng như luôn nâng cao chất lượng sản phẩm và xem đó là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó các ban ngành liên quan cũng cần chú trọng việc kiểm tra chặt chẽ cả những mặt hàng nội địa.
Bách Linh