Người tiêu dùng phải được thông tin trung thực

(Dân trí) - Hôm nay 1/7, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Nhân dịp này, Dân trí đã có cuộc gặp gỡ với Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, trao đổi về quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm ô tô - xe máy.

 

Người tiêu dùng phải được thông tin trung thực  - 1
Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Đỗ Hữu Đức

 

PV: Thông tư 20/2011/TT-BCT và thông tư 43/2011 của BGTVT quy định về việc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho sản phẩm, việc xét duyệt của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) sẽ diễn như thế nào, thưa ông?

 

Ông Đỗ Hữu Đức: Cục ĐKVN sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá cơ sở cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Giấy chứng nhận được cấp trong phạm vi 05 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định và có kết quả đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe đạt yêu cầu. Các giấy tờ này sẽ bao gồm: Bản đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe ôtô và giấy ủy quyền hoặc Giấy xác nhận thỏa mãn tiêu chuẩn của nhà sản xuất ô tô.

 

Vậy thưa ông, về công tác đánh giá và độ minh bạch của các tờ khai về diện tích nhà xưởng, cơ sở vật chất, liệu có bên thứ ba đứng ra bảo đảm các thông tin doanh nghiệp khai là đúng sự thật?

 

- Sẽ không có bên thứ ba nào thực hiện việc này. Cục ĐKVN sẽ có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra những thông tin mà doanh nghiệp đã khai báo, để từ đó có những đánh giá trung thực nhất về năng lực của các doanh nghiệp, để đảm bảo việc quyền lợi của người tiêu dùng ở mức cao nhất.

 

Với những thông tin về sản phẩm ô tô bị lỗi kỹ thuật như trường hợp một nhãn hiệu Nhật Bản thời gian gần đây tại thị trường Việt Nam, xin ông cho biết trách nhiệm của Cục ĐKVN trong những vụ việc tương tự?

 

- Trách nhiệm của Cục ĐKVN là đảm bảo một cách cao nhất sao cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên hiểu rõ quyền lợi của mình cũng như trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm mà họ đưa ra. Điều 10 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định nghĩa vụ của nhà sản xuất phải thông tin trung thực với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; cũng như cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người sử dụng cũng như người bán hàng; cung cấp thông tin về bảo hành và cách thức thực hiện. Nhà sản xuất phải sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người tiêu dùng trả lại...

 

Ông đánh giá thế nào về ý thức của người tiêu dùng hiện nay về quyền lợi của mình?

 

- Riêng về lĩnh vực ô tô, xe máy, hãy lấy một ví dụ đơn giản. Trong quá trình thực hiện chương trình kiểm tra, xử lý 3 lỗi kỹ thuật đối với xe Innova và Fortuner, Toyota Việt Nam đã có báo cáo về tình hình thực hiện từ ngày 31/5 trở về trước. Theo đó, chương trình kiểm tra, xử lý xe Toyota VN thuộc các đối tượng nêu ở trên tính đến ngày 31/5/2011 về phần việc siết lại bu-lông camber thì số xe được đưa vào sửa chữa là 267/7.370 xe (chiếm tỷ lệ 3,6 %), kiểm tra lực xiết bu-lông bắt móc neo chân ghế sau là 4.055/65.704 xe (6,2%), kiểm tra áp suất dầu xi-lanh phanh bánh sau Innova là 3/167 xe (1,8 %). Với tỷ lệ như vậy, có thể thấy nhiều người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ đối với chính những quyền lợi thiết thực nhất của mình.

 

Chính vì số lượng người tiêu dùng đưa xe đến kiểm tra rất ít so với danh sách TMV đã công bố, nhân dịp này chúng tôi rất mong các chủ xe  quan tâm hơn nữa đến việc đưa xe đi kiểm tra. Đó chính là quyền lợi mà người tiêu dụng được thụ hưởng và là một cách gián tiếp, buộc các nhà sản xuất luôn phải đề cao quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, đúng như mục đích mà Luật Bảo vệ Người tiêu dùng đã đặt ra.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Tiến Công