1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cây cầu hóa "sắt vụn" sau vài giây: Thiệt hại 15 triệu USD mỗi ngày

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Thảm họa sập cầu Francis Scott Key tiềm ẩn nhiều rủi ro kéo dài đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp lớn như Amazon, BMW, Ford, GM... đang bị tắc nghẽn hàng hóa tại khu vực này.

Rạng sáng 26/3 theo giờ Mỹ, một tàu chở container tên Dali, treo cờ Singapore, đã đâm vào một trong những trụ đỡ trung tâm của cây cầu Francis Scott Key (Mỹ).

Ông Wes Moore, Thống đốc bang Maryland, cho rằng đây không chỉ là thảm họa kinh tế của riêng thành phố Baltimore hay bang Maryland mà là của cả nền kinh tế Mỹ.

Tuyến đường sông đang bị ách tắc vì thân cầu đổ sập vốn là điểm dẫn vào cảng Baltimore, một trong những cảng bận rộn và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ.

Với tầm quan trọng lớn như vậy của cảng Baltimore, giới chức bang Maryland ước tính mỗi ngày nền kinh tế của bang này thiệt hại 15 triệu USD vì vụ sập cầu. Ngoài ra, 15.000 công việc trực tiếp tại cảng và 140.000 công việc gián tiếp khác phụ thuộc vào cảng Baltimore bị ảnh hưởng.

Các công ty bảo hiểm có thể chịu thiệt hại lớn hơn. Bloomberg ước tính các công ty bảo hiểm có thể phải chi trả số tiền bảo hiểm lên tới 3 tỷ USD trong vụ này.

Cây cầu hóa sắt vụn sau vài giây: Thiệt hại 15 triệu USD mỗi ngày  - 1

Tàu container đâm sập cầu ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ ngày 26/3 (Ảnh: Reuters).

Các quan chức Mỹ cảnh báo vụ sập cầu này có thể gây tác động lan rộng đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ khi tuyến vận tải đường thủy chuyên lưu thông một số hàng hóa quan trọng vẫn sẽ bị ùn tắc trong ngắn hạn. 

Theo ông Pete Buttigieg, Bộ trưởng Giao thông Mỹ, Baltimore là cảng xử lý phương tiện lớn nhất cả nước, bao gồm ô tô và thiết bị nông nghiệp hạng nặng. Cảng đã xử lý 52,3 triệu tấn hàng hóa, trị giá 80,8 tỷ USD vào năm 2023.

Vì thế, trong trường hợp tình trạng tắc nghẽn kéo dài, các tàu tiếp tục chờ đợi thì sự chậm trễ là khó tránh đối với các công ty xuất nhập khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Amazon, Fedex, BMW, Ford, GM...

Bộ trưởng Giao thông Mỹ cho rằng việc sớm đưa cảng biển này hoạt động trở lại không chỉ quan trọng với người dân và người lao động ở Baltimore mà còn với các chuỗi cung ứng của đất nước.

Ông khẳng định công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương nhưng chưa biết khi nào sẽ hoàn thành. Trong khi đó, khung thời gian để xây dựng lại cây cầu cũng chưa thể ước tính được.

Theo dữ liệu của bang Maryland, năm 2023, cảng Baltimore tiếp nhận và điều phối khoảng 1,1 triệu container hàng hóa, là cảng bận rộn thứ 9 trên cả nước xét về khối lượng trao đổi thương mại.

Với chiều dài gần 3km, Francis Scott Key là một trong những tuyến giao thông vận tải huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ. Cây cầu được khánh thành vào năm 1977. Mỗi năm có khoảng 11,5 triệu lượt phương tiện lưu thông qua cầu.

Cầu Francis Scott Key bị sập khi tàu container tên Dali, treo cờ Singapore đâm vào trụ cầu. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có 22 thủy thủ đoàn và khoảng 4.679 container.

Vụ va chạm khiến cây cầu bị gãy, sập, kéo theo một số phương tiện rơi xuống sông Patapsco và khiến một số người mất tích. Ít nhất 6 người thiệt mạng trong vụ sập cầu này, đến nay mới chỉ tìm thấy 2 thi thể nạn nhân

Theo CBS, Reuters, Yahoo news