Vụ tàu đâm sập cầu ở Mỹ: Chi phí sửa có thể lên tới 2 tỷ USD?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Tổng thống Biden đề xuất chi ngân sách liên bang khôi phục cầu bị tàu đâm sập nhưng nhận lại nhiều phản ứng trái chiều. Sự cố cũng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung năng lượng của quốc gia này.

Tranh cãi về nguồn tiền sửa cầu 

Rạng sáng 26/3 theo giờ Mỹ, một tàu chở container tên Dali, treo cờ Singapore, đã đâm vào một trong những trụ đỡ trung tâm của cây cầu Francis Scott Key (Mỹ).

Cây cầu này kết nối với cảng Baltimore ở bang Maryland, một trong những tuyến vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp tại Bờ Đông nước Mỹ. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có 22 thủy thủ đoàn và khoảng 4.679 container.

Ngay sau sự cố, Tổng thống Joe Biden tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ trang trải chi phí để xây dựng lại công trình huyết mạch này. Các chuyên gia ước tính chi phí sửa chữa cây cầu có thể từ 600 triệu USD tới 2 tỷ USD, tùy thuộc vào thời gian thi công. Tổng thống Biden bày tỏ tin tưởng rằng ông có thể giành được ủng hộ từ quốc hội cho đề xuất của mình.

Tuy nhiên, quốc hội Mỹ gần đây thông qua gói ngân sách khổng lồ cho năm 2024. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng với mức thâm hụt ngân sách như hiện nay, chính phủ Mỹ không thể chất thêm tiền lên núi nợ quốc gia.

Một số người theo chủ nghĩa tự do trong đảng Dân chủ cũng đặt câu hỏi về đề xuất của Tổng thống Biden, cho rằng một phần nguyên nhân gây ra sự cố là do chủ tàu container, nên họ cũng phải có trách nhiệm trả chi phí sửa cầu.

"Hãy làm rõ về thảm kịch ở Baltimore. Cây cầu đó không tự nhiên sập, chẳng có trận động đất nào. Cây cầu đã bị sập bởi một con tàu tư nhân mất lái. Chính vì vậy, họ cũng phải chịu trách nhiệm phần nào trong việc sửa chữa", Jamal Simmons, chiến lược gia đảng Dân chủ, chia sẻ trên X.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chia sẻ rằng bà dự tính rằng các khoản thanh toán bảo hiểm sẽ trang trải một phần chi phí để xây dựng lại cây cầu. Các công ty bảo hiểm cũng có thể phải bồi thường hàng tỷ USD cho những bên liên quan trong vụ tàu đâm sập cầu này.

Vụ tàu đâm sập cầu ở Mỹ: Chi phí sửa có thể lên tới 2 tỷ USD? - 1

Tàu container đâm sập cầu ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ ngày 26/3 (Ảnh: Washington Informer).

Gián đoạn nguồn cung năng lượng

Vụ va chạm cũng có thể gây gián đoạn nguồn cung than và xăng dầu ở khu vực Baltimore. Công ty đường sắt CSX cảnh báo khách hàng rằng nguồn cung than đá có thể đến trễ vài ngày do vụ sập cầu.

Ông Andy Lipow, Giám đốc của công ty dầu mỏ Lipow Oil Associates, nhận định rằng ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ phải tìm các tuyến đường cung ứng thay thế. Việc điều hướng sẽ khiến chi phí vận tải biển và vận tải đường bộ tăng lên.

Ông Judah Levin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của nền tảng vận chuyển Freightos, cho rằng nếu các nhà xuất khẩu không thể chờ cho đến khi cảng Baltimore mở cửa lại, chi phí vận tải đường bộ và đường sắt có thể sẽ tăng nếu họ điều chuyển hàng bằng xe tải hoặc tàu hỏa đến các cảng thay thế.

Không chỉ vậy, Baltimore cũng là cảng đóng vai trò quan trọng về xuất nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ, cũng như xe công nông có bánh và máy móc xây dựng.

Theo dữ liệu từ cảng Baltimore, cảng này đã trung chuyển hơn 847.000 ô tô và xe tải nhẹ vào năm ngoái.  Theo chia sẻ của ông D'Andrae Larry, nhà quản lý cấp cao tại Uber Freight, sau vụ va chạm, cầu Francis Scott Key và cảng Baltimore có thể sẽ ngừng hoạt động trong nhiều tháng.

Theo CNBC, Reuters