TPHCM:
Cầu Sài Gòn 2 còn bế tắc vì… chỗ thu phí
(Dân trí) - Trong khi cầu Sài Gòn kêu cứu vì quá tải thì dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2, giải pháp quan trọng “chia lửa” cho cầu Sài Gòn, lại đang rơi vào bế tắc vì… không tìm đâu ra chỗ đặt trạm thu phí.
Theo kế hoạch, cầu Sài Gòn 2 dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2009. Sau đó phải lùi đến tháng 4/2010. Song đến nay lại vẫn chưa có động tĩnh gì. Nguyên nhân là chủ đầu tư (Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ- PMC) và TPHCM vẫn chưa thống nhất được phương án thu hồi vốn.
Cầu Sài Gòn 2 sẽ được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện nay.
Dự kiến, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 sẽ được thực hiện bằng hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Phía PMC sẽ đầu tư xây dựng và thu hồi vốn bằng cách thu phí các phương tiện giao thông qua cầu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là đặt trạm thu phí ở đâu. Vì muốn thu phí qua cầu Sài Gòn 2 phải đặt trạm tại 2 phía đầu cầu, tức là trên đường Điện Biên Phủ hoặc Xa lộ Hà Nội.
Thực tế đơn vị thu phí toàn tuyến cửa ngõ Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ hiện nay là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Dù hiện còn nhiều đơn vị khiếu nại vị trí đặt trạm của CII không hợp lý (thu phí cho đường Điện Biên Phủ nhưng đặt tại Xa lộ Hà Nội) nhưng sau năm 2013, khi đầu tư xong Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội thì đơn vị này sẽ “danh chính ngôn thuận” thu phí tại đây.
Do vậy, nếu đặt trạm thu phí cầu Sài Gòn 2 ở bất cứ vị trí nào trên tuyến Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội đều sẽ ảnh hưởng đến trạm thu phí của CII (vì nhiều người sẽ ngại đóng phí 2 lần mà chọn tuyến đường khác). Điều này CII chắc chắn sẽ không đồng ý.
Nếu PMC thu phí chung với CII tại trạm thu phí hiện hữu trên Xa lộ Hà Nội thì sẽ khiến doanh thu hàng năm của mỗi đơn vị giảm so với dự kiến, thời gian thu phí phải kéo dài hơn. Hiện CII đang nắm quyền thu phí trên tuyến này đến năm 2055, nếu thêm trạm của PMC thì không biết đến bao giờ người dân đi qua tuyến đường này mới hết phải đóng phí.
Trong văn bản gửi UBND TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng cho rằng: việc thu phí chung tại Trạm xa lộ Hà Nội (hiện do CII khai thác) là không thể vì sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của CII, dẫn đến kéo dài hợp đồng thu phí cho các bên (PMC và CII), làm tăng mức độ rủi ro trong việc hoàn vốn đầu tư…
Phía chủ đầu tư đề xuất hình thức đầu tư xây cầu trả bằng đất thì UBND TPHCM cũng khó chấp nhận được vì quỹ đất của thành phố cũng không còn nhiều. Nếu trả chậm bằng ngân sách sẽ càng thiệt hơn vì vốn đầu tư sẽ tăng cao nhiều lần do phải chịu thêm lãi suất… Mà nếu đầu tư một lần thì ngân sách thành phố chịu không nổi vì tổng vốn đầu tư cây cầu này là gần 2.500 tỷ đồng.
Vậy là kế hoạch xây thêm cây cầu chạy song hành với cầu Sài Gòn hiện hữu lâm vào cảnh bế tắc thực sự.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT khẳng định, việc xây cầu Sài Gòn 2 là rất cấp bách. Bởi cầu Sài Gòn hiện hữu đang xuống cấp nhanh chóng, khó đáp ứng đủ nhu cầu giao thông ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Do vậy, Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị UBND TPHCM báo cáo Trung ương, xin giữ lại phần thu vượt dự toán ngân sách hàng năm trong giai đoạn 2010 - 2015 (dự kiến mỗi năm là 5.000 tỷ đồng) để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Đây sẽ là nguồn vốn khả thi để xây dựng cầu Sài Gòn 2.
Tùng Nguyên