Cắt giảm bộ máy và cái khó của tư lệnh ngành nắm "túi tiền" quốc gia

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính chia sẻ về quyết tâm cải cách thông qua việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế toàn ngành, đặc biệt là cơ cấu lại cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước và dự trữ nhà nước cấp chi cục.

tt_jjxv.jpg

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Trả lời PV trước thềm năm mới, người đứng đầu ngành tài chính - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, bên cạnh công tác điều hành thu chi ngân sách, một trong những nét nổi bật của năm 2018 chính là việc các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát và sắp xếp nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Hàng nghìn đầu mối được cắt giảm

Nói về những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô, phạm vi quản lý rộng, bộ máy được tổ chức từ trung ương đến địa phương gồm 20 Vụ/Cục, 05 Tổng cục (4/5 Tổng cục được tổ chức theo hệ thống dọc), 10 đơn vị sự nghiệp, 183 Cục ở cấp tỉnh, gần 1.700 chi cục ở cấp huyện và khoảng 5.600 tổ (đội) thuộc Chi cục.

Biên chế công chức, viên chức của Bộ Tài chính được giao năm 2018 khoảng 73.000 người.

Theo Bộ trưởng, ngay từ khi Kết luận số 64-KTTW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI), Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Theo đó, từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được khoảng 2.649 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương.

Trong đó, giai đoạn này, tập trung tinh gọn bộ máy cấp phòng thuộc KBNN cấp tỉnh và cấp tổ (đội) của KBNN cấp huyện trên cơ sở chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy kế toán nội bộ phân tán sang mô hình tổ chức bộ máy kế toán nội bộ tập trung, cải tiến quy trình nghiệp vụ nhằm thống nhất đầu mối kiểm soát chi của hệ thống KBNN.

Cụ thể, KBNN cắt giảm hơn 2.000 đầu mối đơn vị (cấp phòng và cấp tổ, đội tại Cục và chi cục địa phương); Tổng cục Thuế cắt giảm khoảng 600 đầu mối (cấp tổ, đội thuộc Chi cục) TCHQ giảm được 13 đầu mối cấp phòng thuộc Vụ thuộc Tổng cục, giảm 37 phòng và tương đương và tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.

Sau khi Nghị quyết Trung ương khoá XIIII, Nghị quyết số 1NQNCPCP ngày 03/2/2018 của Chính phủ, riêng trong năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 536 đầu mối thuộc các Vụ/Cục thuộc Cơ quan Bộ.

Đồng thời, khi thực hiện Nghị quyết số 1/NQTW, gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngay từ khi có chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo dừng việc xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan thuế cấp Cục, Chi cục, dừng việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp Chi cục để thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập Chi cục thuế thành Chi cục Thuế khu vực.

Bộ trưởng cho hay, để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, tính đến nay, số biên chế của Bộ Tài chính đã được cắt giảm là 4.973 chỉ tiêu (giảm 6,7%) so với năm 2015.

"Đối với những công chức dôi dư do sắp xếp bộ máy, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế năng lực, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định khoảng 600 trường hợp, đạt xấp xỉ 112% so với kế hoạch đề ra tính đến hết năm 2018", Bộ trưởng nói.

Cái khó của tư lệnh ngành

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện sắp xếp lại bộ máy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra trong bối cảnh các văn bản quy định về quản lý bộ máy, biên chế chưa được ban hành đồng bộ. Do đó, việc triển khai của các Bộ, ngành, địa phương có cách thức triển khai khác nhau, chưa có một mô hình mẫu để học tập, rút kinh nghiệm.

"Vì vậy, là một trong các Bộ đi đầu trong cải cách bộ máy, Bộ Tài chính vừa thực hiện, vừa phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền do có một số vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp, dẫn đến quá trình triển khai kéo dài hơn so với dự kiến", ông nói.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành tài chính, cán bộ các đơn vị thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập mặc dù đã được quán triệt, động viên về tư tưởng, tuy nhiên vẫn còn một số cán bộ có tâm tư do việc sắp xếp ảnh hưởng đến vị trí công tác, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sinh hoạt của cán bộ do vấn đề về khoảng cách địa lý, chi phí, rủi ro đi lại...

Việc sắp xếp các đơn vị được tổ chức theo địa giới hành chính sang tổ chức theo khu vực cũng dẫn đến việc tổ chức đảng của các đơn vị sắp xếp, sáp nhập phải điều chỉnh theo mô hình mới (tổ chức đảng của Chi cục Thuế khu vực chuyển sang trực thuộc Đảng bộ Cục Thuế thay vì cấp ủy cấp huyện như hiện nay) để đảm bảo phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, việc triển khai tinh gọn bộ máy đồng thời với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống liên quan trực tiếp đến công tác quản lý cán bộ. Cùng với việc cắt giảm, xóa bỏ các tổ chức thuộc và trực thuộc thì vị trí lãnh đạo cũng sẽ phải rà soát, cắt giảm.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị sắp xếp, sáp nhập xây dựng tốt phương án bố trí, sắp xếp nhân sự, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh gây mất đoàn kết nội bộ; dừng việc bổ nhiệm mới công chức lãnh đạo cấp Chi cục và cấp đội.

Đồng thời, đối với cấp trưởng ưu tiên bố trí chức danh tương đương, trường hợp không thể bố trí các chức danh tương đương thì xem xét bố trí vị trí cấp phó tại bộ phận phù hợp, được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định và được ưu tiên bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu.

Đối với cấp phó tại các đơn vị hợp nhất, sáp nhập khi sắp xếp có thể trước mắt cao hơn so với quy định, khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc chuyển công tác không được bổ sung thêm cấp bổ; đồng thời có giải pháp, kế hoạch sắp xếp cấp phó đảm bảo quy định.

Bộ trưởng cũng cho hay, việc sắp xếp, sáp nhập một số Chi cục Thuế cấp huyện thành 01 Chi cục Thuế khu vực dẫn đến địa bàn, đối tượng quản lý của Chi cục Thuế khu vực tương đối lớn trong khi mỗi Chi cục Thuế có 01 Trụ sở chính và 01 con dấu để triển khai nhiệm vụ được giao. Trong thực tế tại địa bàn huyện không đặt Trụ sở chính của Chi cục Thuế khu vực nhưng vẫn cần giải quyết các thủ tục hành chính phát sinh hàng ngày cho người nộp thuế trên địa bàn.

Để khắc phục vướng mắc trên, Bộ Tài chính đã đồng ý cho Chi cục Thuế khu vực được sử dụng thêm con dấu ướt (con dấu 2, thứ 3) để triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng con dấu ướt tại Chi cục Thuế khu vực dẫn đến phải có cơ chế phân cấp, phân quyền trong thực thi nhiệm vụ. Đây cũng là thách thức cho ngành trong việc quản lý con dấu cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện của những bộ phận được phân cấp, phân quyền. Theo đó, trong thời tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành.

"Mặc dù, quá trình đổi mới, tinh gọn bộ máy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Tài chính đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với kết quả thu ngân sách năm 2018 đạt 107% so dự toán. Cùng với quyết tâm chính trị của toàn ngành, sự chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan có liên quan, tôi tin rằng Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện thành công việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ trong thời gian tới", Bộ trưởng khẳng định.

Phương Dung

banner_chan-bai.gif