Cấp bách xây dựng thương hiệu “Du lịch Huế”

(Dân trí) - Sau gần 2 ngày thảo luận, ngày 1/3, tại Hội nghị quốc tế “Xây dựng thương hiệu du lịch (DL) cho Thừa Thiên - Huế”, ban tổ chức đã đưa ra khung hoạt động gồm 6 vấn đề cấp bách nhằm đưa Huế trở thành một trong những điểm đến DL hấp dẫn.

Đầu tiên, cụm từ “DL Huế” sẽ thay thế cho “DL Thừa Thiên - Huế” vốn dài dòng và không đặc trưng bằng danh từ Huế từ lâu đã đi vào lòng người dân cả nước và du khách quốc tế. Lộ trình xây dựng thương hiệu DL Huế sẽ cần có thời gian. Hiện đã xác định được tính đặc trưng trong tài nguyên DL ở 2 khía cạnh:

 

Tài nguyên thiên nhiên gồm: sông Hương - một trong những con sông đẹp nhất Thế giới và tổng thể quần thể thiên nhiên Huế vẫn còn giữ được vẹn nguyên qua thời gian. Từ 2 thế mạnh này, hội nghị đã đặt tiêu điểm vào loại hình “DL dưỡng sinh”. Huế là nơi có nhiều thích hợp để con người tìm lại sự thư giãn cho chính mình. DL dưỡng sinh cũng là loại DL đắt tiền nhất nhằm tăng doanh thu cho tỉnh.
 
Tuy nhiên, do mưa nhiều mà mùa mưa lại trùng vào thời điểm khách Tây tới đông nhất trong năm. Từ khó khăn này, Huế quyết tâm phải phát triển sản phẩm DL, cơ sở hạ tầng trong mùa mưa. Sở VH-TT-DL tỉnh TT-Huế đã đề xuất nên có 1 “Festival mưa” song song với Festival quốc tế và Festival làng nghề được tổ chức hàng năm.
 
Tài nguyên văn hóa, Huế đã được định vị bằng những địa danh hàng đầu thế giới qua tên gọi “Thành phố di sản Thế giới” (có quần thể di tích cố độ Huế là di sản văn hóa vật thể và Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể). Thêm vào đó, Huế cũng có những nhân vật văn hóa hàng đầu Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Phan Bội Châu, Lê Bá Đảng... có văn hóa tâm linh và những lễ hội độc đáo.
 
Cấp bách xây dựng thương hiệu “Du lịch Huế” - 1
Huế vẫn có rất nhiều tiềm năng du lịch văn hóa và thiên nhiên nhưng vẫn chưa được khai thác tương xứng
 
Do đó, hội nghị nhận định Huế đã bỏ qua quá nhiều giá trị văn hóa bên trong. Sắp đến phải tận dụng vào thế mạnh này để phát huy những lễ hội với sự tham gia tối đa của người dân; tạo nên những khu vực “không ngủ” về đêm; tạo cho di tích có những câu chuyện thật sống động thu hút du khách hơn nữa; các sản phẩm du lịch như “Festival Huế”, “Ẩm thực Huế” cần tuyên truyền, nếu cần có thể “đóng gói” bán ra nước ngoài để cả Thế giới thấy được sự phong phú của DL Huế.
 
Việc tuyên truyền quảng bá sẽ có thêm 2 điểm mới là: quảng bá mạnh DL Huế qua hoạt động ngoại giao văn hóa và trên Internet (vì hiện tại DL qua mạng ở các website về Huế còn quá nghèo nàn).
 
10 dự án kiểu mẫu của GS Tay Kheng Soon (đơn vị tư vấn Akitek Tenggara - Singapore) sẽ được xem xét để áp dụng quy hoạch lại không gian DL Huế. Trong đó, 5 vấn đề được đặt ra hàng đầu là: Cải thiện sự cân đối giữa đô thị và nông thôn; Phát huy tinh thần sáng tạo cộng đồng qua việc phục hưng các làng nghề truyền thống; Tạo ra những mẫu hình cộng đồng có kết hợp nhiều yếu tố mới như công nghệ thông tin, truyền thông; Phát triển 1 trung tâm hội nghị hướng về tương lai; Những dự án giúp định vị Huế trên bản đồ DL Thế giới tập trung tại Lăng Cô, Bạch Mã, đầm phá Tam Giang...

 

Slogan cho Huế sẽ tập trung chú ý tới hình ảnh các cặp đối ngẫu. Ví dụ như: Bảo tồn và phát triển hay tĩnh tâm và sôi động...
 
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết thời gian tới sẽ cùng với các cơ quan tư vấn, chuyên gia, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp cùng thực hiện tích cực tiến trình xây dựng thương hiệu DL Huế. Nhiều hoạt động hậu hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra đồng thời sẽ huy động những nguồn lực cơ bản để phát triển DL, nhằm định hướng rõ ràng hơn nữa cơ cấu kinh tế tỉnh là “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”.
 
Đại Dương