1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cao tốc Móng Cái - Vân Đồn được đầu tư bằng BOT với số vốn 14.000 tỷ đồng

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đồng ý với phương án xây dựng tuyến cao tốc nối Móng Cái và Vân Đồn theo hình thức hợp tác công tư (PPP), phương án xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT).

Phương án xây dựng đường cao tốc BOT Móng Cái - Vân Đồn có tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng, chiều dài hơn 90 km, dự kiến triển khai xây dựng trong 3 năm, thời gian thu phí 25 năm.

Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc có 4 làn xe, với tốc độ thiết kế theo tiêu chuẩn trên 100km/h, đi qua các địa bàn như: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và T.P Móng Cái (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh).

Sau những lùm xùm về vay vốn Trung Quốc, dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn sẽ được đầu tư bằng hình thức BOT do các nhà đầu tư trong nước thực hiện
Sau những lùm xùm về vay vốn Trung Quốc, dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn sẽ được đầu tư bằng hình thức BOT do các nhà đầu tư trong nước thực hiện

Các liên danh tham gia vào dự án có thể gồm nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - VINACONEX E&C - BRJSC12 - Khánh An - Cienco1. Hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh làm đầu mối với các đơn vị tư vấn, cơ quan chuyên môn để tính toán các phương án có hiệu quả nhất cho dự án.

UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị hạn chế thấp nhất việc giải phóng mặt bằng ở phạm vi TP. Móng Cái, lựa chọn địa điểm hạn chế phải giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án. Ở các đoạn đi qua những huyện, thị còn lại, đơn vị thực hiện phải nghiên cứu cụ thể các vị trí, nút giao. Nghiên cứu phương án tài chính cho sát thực tế, đảm bảo chi phí đầu tư không tăng so với tổng mức đầu tưu ban đầu.

Trước đó, tháng 7/2016 Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất Chính phủ vay vốn Trung Quốc 300 triệu USD (7.000 tỷ đồng) để xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn vì lý do công trình cấp bách. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đều đưa ra các lý do và đề nghị làm sáng tỏ mục đích vay vốn Trung Quốc vì có thể làm tăng trả nợ, nguy cơ đội vốn cao do một số công trình cầu đường do nhà thầu Trung Quốc triển khai chậm trễ, đội vốn cao.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đều lên tiếng phản bác việc vay vốn Trung Quốc vì tiềm ẩn nhiều hệ lụy nếu không có cơ chế đàm phán hợp lý. Ngay sau đó, tỉnh Quảng Ninh - cơ quan đề xuất xây dựng tuyến cao tốc đã có giải trình với Chính phủ, xin nhận dự án về để địa phương bố trí vốn thay vì đẩy lên Bộ GTVT như trước kia.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm