Cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động: Ai quyết định?
Theo các nhà cung ứng dịch vụ điện thoại di động dự đoán, năm 2005 sẽ có khoảng 4 triệu thuê bao. Các nhà cung ứng dịch vụ đua nhau tung ra những chiêu thức kinh doanh để gia tăng số thuê bao.
Đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng việc phát triển thuê bao lại chưa đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay, khách hàng còn đang chịu sự bất bình đẳng về giá.
Số lượng không đi đôi với chất lượng
Tham gia thị trường sau, nhưng mạng điện thoại của Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) thực sự gây sóng gió trên thị trường khi đưa ra cách thức tính cước block 6 giây. Làn sóng khách hàng mới và khách hàng chuyển đổi mạng đã nhanh chóng khiến cho Viettel trở thành mạng di động số 1 về phát triển thuê bao.
Cuộc "đối đầu" giữa Viettel và Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã được giải toả phần nào càng khiến cho khách hàng biết đến Viettel nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, càng nhiều khách hàng đến với mạng này thì sự cố "nho nhỏ" lại càng hay xảy ra, như các thuê bao của Viettel không thể kết nối với các thuê bao ngoài mạng hay số cố định do VNPT quản lý.
Sự cố nghẽn mạch cũng xảy ra với các mạng di động khác. Mạng SFone có kế hoạch gia tăng số tỉnh được phủ sóng vào đầu năm 2006. Tuy nhiên, sự phát triển thuê bao của SFone lại chưa tăng tương xứng với việc mở rộng này.
Cho dù tham gia thị trường với chiến dịch marketing đầy ấn tượng, chương trình "Điện thoại trao tay" luôn đưa ra các loại máy mới nhưng rõ ràng, việc hạn chế số tỉnh phủ sóngcũng như những phàn nàn về chất lượng máy điện thoại quà tặng khiến cho SFone chưa thể tạo nên hiệu quả kinh doanh như mong muốn...
Các nhà cung ứng đều đưa ra những cam kết về phục vụ khách hàng, những chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, các khách hàng cần không chỉ những con số cộng thêm vào tài khoản, những phút gọi hay tin nhắn miễn phí, thẻ mua hàng giảm giá mà quan trọng hơn phải là chất lượng dịch vụ.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp phát triển quá nhanh số lượng thuê bao trong khi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng tất yếu dẫn đến chất lượng sụt giảm.
Quản lý giá thế nào?
Với khách hàng, quyết định chọn mạng điện thoại di động nào tuỳ thuộc nhiều vào hiệu quả kinh tế. Vì thế, một biện pháp thu hút thuê bao mới của các nhà cung ứng dịch vụ đến sau là đưa ra cách tính giá cước hấp dẫn (thấp hơn của hai đại gia Vinaphone và Mobifone).
Theo quy định hiện hành của Bộ Bưu chính-Viễn thông, những doanh nghiệp có thị phần dưới 30% được quyền điều chỉnh giá cước của mình. Theo đó, SFone đưa ra cách tính block 10 giây vàViettel là 6 giây. Vì mức giá này, các khách hàng của hai mạng trên giảm được đáng kể chi phí.
Nhưng xét về sự bình đẳng của khách hàng sử dụng điện thoại di động thì hiện nay các khách hàng của hai mạng Vinaphone và Mobifone lại phải chịu sự bất bình đẳng bởi phải chịu mức giá cước cao. Trong khi đó, Mobifone và Vinaphone do bị buộc khống chế về giá cước nên không thể cạnh tranh bằng giá được.
Sở dĩ Bộ Bưu chính-Viễn thông phải quy định mức khống chế giá như trên là để đảm bảo cho các doanh nghiệp mới tham gia dịch vụ có thể có được cơ hội ở một thị trường cạnh tranh khốc liệt như thị trường điện thoại di động.
Thế nhưng, cần phải nhìn nhận thực tế, chính sự tham gia của các doanh nghiệp mới tạo nên sức ép để các doanh nghiệp cũ phải giảm giá, nhờ đó tăng lợi ích cho khách hàng. Xét từ góc độ khách hàng, cách quy định này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà cung ứng chịu khống chế giá.
Trong khi đó, nhiều khách hàng rất bức xúc vì việc thiếu đi những quy định về quản lý để các nhà cung ứng dịch vụ phải đảm bảođưa ra đượcdịch vụ có chất lượng tốt. Đại diện của Mobifone cho rằng, nhà cung ứng này cũng mong muốn đưa lại cho khách hàng của mình mức giá hấp dẫn hơn để được hưởng quyền lợi bình đẳng như khách hàng của các mạng di động khác.
Tuy nhiên, do quy định không cho phép nên họ chỉ còn cách gia tăng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Bộ Bưu chính-Viễn thông cũng nên xem xét về quy định quản lý giá để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất nếu như các doanh nghiệp được tự do cạnh tranh với nhau trong môi trường pháp lý lành mạnh để đưa ra mức giá hợp lý nhất và chất lượng tốt tướng xứng.
Khi đó, quay trở lại, chính số lượng lớn khách hàng sẽ là hiệu quả cụ thể cho các mạng di động phát triển. Sẽ còn có nhà cung ứng dịch vụ mới tham gia thị trường. Và câu chuyện về thị trường điện thoại di động không thể không chú trọng đến quyền lợi của khách hàng, nhất là khi nhu cầu thông tin trong xã hội ngày một tăng cao.
Theo DDDN