Cảnh giác với trái cây ngoại nhập

Người Việt Nam lâu nay vẫn tự hào về sự phong phú các chủng loại trái cây nhiệt đới “mùa nào, thức nấy” trong nước thế nhưng, vài năm trở lại đây, thị trường trong nước bị cây trái ngoại nhập thâm nhập, khiến hàng loạt loại trái cây trong nước như bưởi, sầu riêng, chôm chôm, vải, mãng cầu bị “rớt” giá.

Hiện nay, lượng trái cây ngoại về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức trung bình khoảng 1.000tấn/ngày (trong tổng số 2.000-2.500 tấn trái cây về chợ/ngày), giá tất cả đều đứng trong khi hầu hết các loại trái cây nội giá lại giảm từ 500đ đến 4.000đ/kg.

Tại khu vực bán trái cây chợ Bến Thành, các cửa hàng chuyên doanh trái cây quanh các chợ An Đông, Bà Chiểu, Tân Định, Phú Nhuận và trên quầy trái cây trữ lạnh của các siêu thị… đâu đâu cũng có bày bán khá nhiều trái cây ngoại.

Hiện nay, đào Bắc Kinh, xoài Đài Loan, táo Tân Tây Lan, xoài Thái Lan, táo Mỹ, táo New Zealand, cherry Mỹ, kiwi Italia, măng cụt Thái,… đều đứng giá ở mức cao, thậm chí nhiều loại giá còn tăng thêm 3.000đ –5.000đ/kg như xoài Đài Loan và bonbon Thái.

Nhiều loại trái cây có giá cao ngất ngưỡng như cherry Mỹ (230.000đ/kg) hoặc có giá cao gấp bội trái cây nội như sầu riêng Thái Lan (25.000đ/kg); đào Trung Quốc (55.000đ/kg), xoài Đài Loan (45.000đ/kg)… nhưng vẫn được tiêu thụ khá mạnh ở các cửa hàng và siêu thị hiện nay.

Qua một số người kinh doanh trái cây, chúng tôi được biết loại trái cây được ưa chuộng nhất trong mùa hè năm nay không phải là vải, măng cụt, sầu riêng hay chôm chôm mà lại là dưa Tân Cương của Trung Quốc, dưa lưới của Đài Loan.

Thế nhưng từ đầu năm đến nay, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM đã nhiều lần tiếp nhận nhiều ý kiến phàn nàn của người tiêu dùng về chất lượng của trái cây ngoại, về việc lạm dụng chất bảo quản, nhất là đối với trái cây Trung Quốc dẫn đến sức tiêu thụ lê, táo Trung Quốc giảm sút mạnh, gần như bị người tiêu dùng TPHCM tẩy chay. Không những thế, trái cây ngoại – loại thực phẩm cần được bảo quản đúng quy cách để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm này - có khi phải đi đường vòng.

Chẳng hạn như vào ngày 8/4/2005, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM phát hiện 4 hộ kinh doanh trái cây đang bày bán gần 7.000 thùng trái cây ngoại, gồm nho Chi Lê, táo Mỹ, cam Trung Quốc,… nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các chủ hàng không trình được giấy tờ nhập khẩu và cả giấy kiểm dịch thực vật và nhìn nhận số hàng này được tập kết từ nhiều nước về Trung Quốc, dán nhãn trái cây Trung Quốc để đưa sang Việt Nam. Ở Việt Nam, số trái cây này được dán lại tem… của các nước trước khi đưa ra thị trường.

Chi cục Quản lý thị trường cho biết: có nhiều lô hàng còn xoay vòng giấy kiểm dịch, giấy nhập khẩu hàng với giấy kiểm dịch thực vật không khớp nhau về thời gian lẫn số lượng.

Bên cạnh giá cả, vấn đề cần quan tâm là chất lượng hàng, nên sự cân nhắc của khách hàng là hết sức cần thiết. Bên cạnh sự kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành chức năng, việc tự thẩm định chất lượng hàng cũng là cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình.

Theo SGGP