1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Tài chính:

Cảnh báo giá sách giáo khoa lớp 1 năm 2021 sẽ tăng gấp đôi

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, điều tiết và quản lý giá . Nếu thả nổi, giá sách giáo khoa lớp 1 năm 2021 sẽ tăng gấp đôi.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa thừa uỷ quyền Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Cảnh báo giá sách giáo khoa lớp 1 năm 2021 sẽ tăng gấp đôi - 1

Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, điều tiết và quản lý giá (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc về giám đốc các nhà xuất bản.

Bộ này cho rằng, việc Nhà nước không điều tiết được giá sách giáo khoa có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn, phát hành sách giáo khoa như mong muốn.

Theo số liệu thống kê năm 2017 - 2018, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh phổ thông, nên việc tăng giá sách giáo khoa tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước và tâm lý của người dân.

Bộ Tài chính cho biết, qua so sánh ba phương án đã kê khai của sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020 - 2021 với các cuốn sách giáo khoa kê khai giá của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam năm 2019:

"Cùng 1 cuốn sách giáo khoa có thể dẫn đến mặt bằng giá cao hơn 2 lần (chưa tính đến yếu tố quy cách chất lượng, khác nhau như số lượng màu, chất lượng giấy in)", Bộ Tài chính đánh giá

Chính vì vậy, về phương án điều tiết giá của Nhà nước, Bộ Tài chính lý giải nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các nhà xuất bản thì có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh.

"Nhà nước sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội", Tờ trình của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo cơ quan này, nếu Nhà nước định giá sách giáo khoa sẽ có công cụ để điều tiết giá đối với mặt hàng này, đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

"Các nhà xuất bản quy định mức giá bán cụ thể nhưng không cao hơn giá tối đa (giá trần) do Nhà nước quy định, khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá sách giáo khoa hiện nay", Tờ trình của Bộ Tài chính nêu,

Đồng thời, theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc định giá tối đa với sách giáo khoa sẽ thúc đẩy các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng giá bán sách làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng...

Đặc biệt, nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các nhà xuất bản thì có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm