1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cảng Cái Mép - Thị Vải và nỗi lo mất khách

Chi phí cao đã khiến cho lượng tàu vào cảng này ngày một giảm, nguy cơ khách hàng bỏ cảng là rất lớn.

Hiện nay, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải biểu phí hàng hải cùng các chi phí khác như phí khai thác, phí vận chuyển, phí thuê ca nô dẹp luồng đều cao hơn ở khu vực cảng tại TP HCM và các nước trong khu vực. Chính vì chi phí cao đã khiến cho lượng tàu vào cảng này ngày một giảm. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì nguy cơ khách hàng bỏ cảng là rất lớn.

 

Biểu phí hàng hải tại Cái Mép - Thị Vải cao hơn ngay so các cảng tại TP HCM. (Ảnh: Báo Hải quan)
Biểu phí hàng hải tại Cái Mép - Thị Vải cao hơn ngay so các cảng tại TP HCM. (Ảnh: Báo Hải quan)

 

Ông Thạch Toàn An, Giám đốc Công ty TNHH Mitsui O.S.K. Lines Việt Nam cho biết, theo kế hoạch năm 2013, hãng tàu TNHH Mitsui O.S.K. Lines Việt Nam một tuần sẽ có từ 6-7 chuyến tàu vào Cụm cảng Thị Vải – Cái Mép. Tuy nhiên, do khó khăn của nền công nghiệp tàu biển, cùng với chi phí cao và nhiều khoản phí phát sinh tại Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã phần nào làm giảm lượng tàu; nên hiện tại, hãng tàu TNHH Mitsui O.S.K. Lines Việt Nam một tuần chỉ có 4 chuyến tàu ra vào Cụm cảng này. Hiện nay biểu phí hàng hải tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn cao hơn so với cảng lân cận như Hong Kong, Singapore.

 

Ngoài biểu phí hàng hải cao, các chi phí khác như phí khai thác, phí vận chuyển bằng xe ô tô, phí thuê ca nô dẹp luồng ở khu vực cảng Thị Vải – Cái Mép đều cao hơn so các Cảng tại TP HCM. Đa số lượng hàng qua Cảng Cái Mép – Thị Vải phải cộng thêm cước phí vận chuyển sà lan, làm tăng chi phí khai thác cho hàng hóa về khu vực này.

 

Ông Dương Quốc Chiến, Giám đốc Hãng tàu CMA CGM Việt Nam phân tích: “So sánh với các nước, chi phí vào cụm cảng Cá Mép - Thị Vải khá cao. Với tàu 14.000TEU là 47.000 USD, tàu 16.000TEU là 53.000 USD trong khi đó cặp cảng Malaysia tàu 14.000TEU chỉ có 4.466UDS. Như vậy vào cảng Malaysia rẻ hơn rất nhiều. Vào Singapore tuy có cao hơn nhưng nếu tính chung các chi phí khác vẫn rẻ hơn cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, về phái hãng tàu cũng đang tính toán để quý 3 năm nay đưa tàu vào cảng Cái Mép - Thi Vải”.

 

Rõ ràng, phí và lệ phí quá cao là một trở ngại lớn cho các hãng tàu ra, vào Cụm cảng Thị Vải - Cái Mép,  phần nào làm mất đi tính cạnh tranh trong khu vực. Điều này rất khó thuyết phục được các chủ tàu đưa thêm tàu vào khu vực cảng ở Thị Vải - Cái Mép, trong lúc năng lực họat động tại khu vực Cảng ở TP HCM vẫn còn thừa sức để nhận thêm tàu mà chi phí thì thấp hơn.

 

Ông Trần Hoàng Vũ, Trưởng phòng Vận hành tàu Maersk Việt Nam nói: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan có sự quan tâm và có chính sách giảm phí mạnh hơn cho phí cảng đối với tất cả các tàu (không kể lớn nhỏ) vào làm hàng tại cảng Cái Mép, để thu hút sự ghé tàu của các hãng tàu, tạo điều kiện cho việc biến Cái Mép thành cảng chuyển tải quốc tế lớn”.

 

Còn ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng đề nghị: “Để giúp cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có thể thực hiện chức năng cảng trung chuyển quốc tế, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Cục Hàng hải cần xem xét tiếp tục giảm phí/lệ phí hảng hải cho tàu trọng tải lớn hơn và mở rộng đối tượng (kích cỡ tàu) áp dụng miễn phí trọng tải, phí luồng lạch trong vòng 2 năm và giảm các mức phí/lệ phí hàng hải đến hết mức có thể cho các tàu. Giải pháp này sẽ giúp giữ chân các tuyến tàu hiện có đang cập các cảng đồng thời tăng sức cạnh tranh cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, thu hút thêm tuyến mới”.

 

Về phía chính quyền địa phương, Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, để từng bước hỗ trợ và phát triển Cụm cảng Thị Vải - Cái Mép thành cảng trung chuyển quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh thu hút đội tàu thế giới, bên cạnh áp dụng mức giá theo Thông tư số 41/2012 của Bộ Tài chính, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho phép giảm chi phí cho các tàu dưới 50.000 DWT ra vào hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép và tiếp tục cho giảm thêm các lệ phí hàng hải để tăng hấp dẫn đối với các hãng tàu đối với các tàu trên 100.000 DWT.

 

Với những kiến nghị giảm phí và lệ phí hàng hải,  Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ cũng đã nghiên cứu và đề xuất tính phí theo lượng hàng làm thực tế tại cảng, thời gian tới sẽ đề nghị Bộ Tài chính giảm phí, lệ phí cho tàu biển. Việc giảm phí hay không sẽ tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét, đánh giá mức phí, lệ phí trên cơ sở so sánh với mức thu của các cảng trong khu vực để đưa ra mức phí phù hợp nhằm thu hút các hãng tàu sử dụng cảng Thị Vải – Cái Mép./.

 

Theo VOV