Cần Thơ: Hàng trăm xe khách liên tỉnh bị thanh tra, xử phạt

(Dân trí) - Bị Bộ GTVT đưa vào danh sách thanh tra thí điểm hoạt động xe khách liên tỉnh, trong đợt đầu tiên đã có hàng trăm phương tiện ở TP Cần Thơ bị “sờ gáy”, hàng chục doanh nghiệp bị xử phạt và ít nhất 1 hợp tác xã vận tải bị đình chỉ vĩnh viễn.

TP Cần Thơ có 55 tuyến vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh từ Cần Thơ đi các tỉnh/thành và 14 tuyến từ các tỉnh/thành về Cần Thơ, nhưng Sở GTVT mới công bố 49 tuyến, còn 6 tuyến được cho là đang khai thác thử nên chưa công bố.

Với tổng số 333 phương tiện thuộc 13 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ đã kiểm tra, xử lý 149 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, số tiền xử phạt thu được là hơn 51 triệu đồng. Tuy nhiên, riêng trong đợt thành tra toàn diện lần này, đoàn Thanh tra Bộ GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt là hơn 88 triệu đồng.
 
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô liên tỉnh theo tuyến cố định

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô liên tỉnh theo tuyến cố định đang bị thanh tra trên toàn quốc

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT ) kiêm Trưởng đoàn Thanh tra xe khách liên tỉnh, cho biết: “Những lỗi chủ yếu mà đoàn Thanh tra phát hiện và xử lý các phương tiện, doanh nghiệp vận tải là thiếu điều kiện kinh doanh, chất lượng dịch vụ thấp so với đăng ký và thiếu bộ phận theo dõi an toàn giao thông”.

Theo đó, HTX Vận tải thủy bộ Phi Long bị thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đình chỉ và thu hồi phù hiệu xe, sổ nhật trình chạy xe của 116 xe đang hoạt động, trong đó có: 12 xe của Công ty CP XDGT&VT Cần Thơ, 14 xe của Công ty CP Vận tải ô tô Cần Thơ, 11 xe của HTX Vận tải thủy bộ Phi Long, 79 xe của HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ.

Nhìn nhận về công tác quản lý phương tiện của các doanh nghiệp vận tải, ông Sỹ cho hay: Việc quản lý rất lỏng lẻo, thường là họ giao khoán và buông lỏng lái xe, không có biểu đồ chạy xe, không có hợp đồng lao động đối với các lái xe nên không quản lý được xe...

“Đa phần các doanh nghiệp chỉ góp xe vào các HTX để lấy danh nghĩa chạy xe, rồi hàng tháng nộp lại cho HTX 1 khoản tiền là xong, vì thế các phương tiện hoạt động rất lộn xộn và vi phạm quy định. Việc thành lập bộ phận theo dõi an toàn giao thông đối với các doanh nghiệp, HTX chỉ là hình thức để đi xin giấy phép, thậm chí 2 HTX hoàn toàn không có bộ phận này như HTX Văn Lang và Phi Long.” - ông Sỹ nêu rõ.

Trong khi đó, ông Sỹ cũng nhấn mạnh việc đa phần các doanh nghiệp khi vận chuyển hành khách đã không thực hiện đúng chất lượng dịch vụ như đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước như: xe xuất bến không đúng giờ, không có biểu đồ chạy xe cụ thể, tự ý cắt bớt số chuyến số lượt trên tuyến đã đăng ký, có tới 60-70% các doanh nghiệp không niêm yết giá cước theo quy định ở trong và ngoài xe, thiếu nước uống và khăn phát cho hành khách, xe 30 chỗ nhưng không có phụ xe...

“Đơn cử như doanh nghiệp vận tải Mai Linh đăng ký chạy 28 lượt/ngày trên tuyến cố định Cần Thơ - Rạch Giá, nhưng thực chất chỉ chạy có 10 lượt/ngày, nhiều doanh nghiệp khác cũng đăng ký 20 lượt nhưng cũng chỉ chạy 10 lượt.” - ông Sỹ dẫn chứng.

Như vậy, trong đợt thanh tra thí điểm đầu tiên, Cần Thơ có 8 doanh nghiệp bị phạt (trong đó có 7 doanh nghiệp khai thác vận chuyển hành khách và HTX, 1 bến tàu phà), số tiền phạt cao nhất là 15 triệu đồng, trung bình là 12 triệu đồng và thấp nhất là 4 triệu đồng.
 
Rất nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tại Cần Thơ bị sờ gáy (ảnh minh họa: Huỳnh Hải)
Rất nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tại Cần Thơ bị "sờ gáy" (ảnh minh họa: Huỳnh Hải)

Riêng với Sở GTVT TP Cần Thơ, Thanh tra Bộ GTVT đánh giá có nhiều sai sót, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, như: chưa xây dựng và công bố thời gian biểu chạy xe; cấp phù hiệu và sổ nhật trình chạy xe cho một số phương tiện không đảm bảo điều kiện kinh doanh; một số hồ sơ xin giấy phép kinh doanh chưa đủ thủ tục, tài liệu theo quy định nhưng vẫn được Sở GTVT Cần Thơ cấp phép;

Sở GTVT TP Cần Thơ đã chấp thuận khai thác tuyến, bổ sung xe khai thác tuyến chưa dựa trên tiêu chí quy định; chưa thực hiện công tác thanh tra kiểm tra chuyên ngành về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định của các đoan vị kinh doanh vận tải và hoạt động của bến xe khách nên không phát hiện kịp thời những sai phạm, tồn tại để chấn chỉnh, xử lý.

Tuy nhiên, với những vi phạm, tồn tại trên của Sở GTVT TP Cần Thơ, Thanh tra Bộ GTVT chỉ kiến nghị Sở này chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô tuyến cố định liên tỉnh và các bến xe khách trên địa bàn, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục ngay các tồn tại hiện nay!?

Được biết, địa phương tiếp theo sẽ bị thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định là TP Hải Phòng, thời gian thanh tra từ ngày 12/7 đến 2/8.

Quỳnh Anh