1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cần Thơ: Đề nghị truy tố 3 cựu cán bộ ngân hàng trong vụ án Tòng Thiên Mã

(Dân trí) - Ngày 10/8, nguồn tin của Dân trí cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 3 cựu cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VDB Cần Thơ) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, 3 cựu cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ bị đề nghị gồm Nguyễn Thị Mai (nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu), Lâm Chí Công (phó phòng Tín dụng xuất khẩu) và Huỳnh Thanh Trúc (cán bộ tín dụng).

Ba bị can này liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng VDB Cần Thơ do Phan Bá Tòng (tức Tòng Thiên Mã), Giám đốc Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã thực hiện.

Trước đó, “đại gia” thủy sản Tòng Thiên Mã và Trần Thị Diễm (nguyên kế toán trưởng) đã bị Bộ Công an khởi tố tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 147 tỉ đồng.

Đại gia Thủy sản Tòng Thiên Mã
Đại gia Thủy sản "Tòng Thiên Mã"

Năm 2005 Tòng Thiên Mã thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Mã, thuê đất tại khu công nghiệp Trà Nóc để mở trụ sở, xây nhà máy chế biến cá tra. Tòng Thiên Mã từng được xem là một hiện tượng lạ khi kinh doanh thủy sản phất lên như “diều gặp gió”. Thậm chí đại gia này còn nộp đơn đề xuất mua cả máy bay trực thăng và đi học làm phi công.

Khoảng thời gian từ 2008-2010, tình hình cạnh tranh thương trường bắt đầu khốc liệt khiến các doanh nghiệp cạnh tranh thu mua nguyên liệu, hạ giá vô tội vạ khiến ngành chế biến, nuôi trồng rơi vào cảnh lao đao.

Một số doanh nghiệp làm ăn gian dối khiến chất lượng cá tra bị giảm sút, không đạt chuẩn của nước nhập khẩu càng làm cho việc xuất khẩu mặt hàng này thêm khó khăn. Kèm theo đó, lãi suất ngân hàng tăng vọt khiến cho ngựa ô “Thiên Mã” vừa mới chớm xuất phát đã chồn chân.

Để có tiền trả lãi hàng trăm tỉ đồng cho các khoản vay hàng ngàn tỉ đồng, Tòng Thiên Mã phải tìm cách “đạp giò” với ngân hàng để có được những khoản vay đáo hạn lần sau cao hơn lần trước, khiến tình trạng nợ nần ngày càng tăng cao.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2009 đến 2011, Phan Bá Tòng và Diễm đã tạo dựng báo cáo tài chính khống; ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống và các giấy tờ liên quan đến việc mua bán hàng hóa khống, dùng làm hồ sơ xin vay vốn ngân hàng; sử dụng tiền vay không đúng mục đính.

Theo các hồ sơ này thì Tòng Thiên Mã vay vốn để phục vụ hoạt động xuất khẩu cá tra, basa, nhưng khi nhận được tiền thì Tòng dùng phần lớn số tiền này để trả nợ cho các khoản vay trước đó mua bất động sản, làm kinh phí hoạt động công ty và chi xài cá nhân.

Trong vụ này, bị can Nguyễn Thị Mai, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao là người ký kiểm soát trên các tờ trình duyệt vay, tờ trình giải ngân, bảng kê rút vốn… nhưng bà Mai đã có hành vi không cử cán bộ tín dụng đi kiểm tra khách hàng và người cung cấp cá nguyên liệu; không kiểm tra các điều kiện tín dụng được phê duyệt; không kiểm soát nguồn tiền về của khách hàng…

Năm 2009, mặc dù đã biết Tòng Thiên Mã sử dụng vốn sai mục đích nhưng bà Mai vẫn tiếp tục ký tờ trình đề nghị giám đốc duyệt giải ngân cho Công ty Thiên Mã. Tuy nhiên, bà Mai khai việc cho Công ty Thiên Mã tiếp tục vay vốn là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của ông Lương Quang Minh, nguyên Giám đốc VDB Cần Thơ (đã chết năm 2016), bà Mai không tự quyết định chủ trương cho vay.

Đối với bị can Lâm Chí Công và Huỳnh Thanh Trúc cũng vậy, thiếu trách nhiệm chỉ đạo cán bộ đi kiểm tra khách hàng, không kiểm tra nguồn tiền về để cho Tòng Thiên Mã sử dụng vốn sai mục đích; không kiểm tra, thiếu thẩm định tình hình tài chính, uy tín của khách hàng đối với ngân hàng, không thẩm định tính khả thi và hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh… Mai, Công và Trúc được xác định gây thiệt hại bởi số dư nợ trên của Tòng Thiên Mã gây ra.

Hoàng Tùng