Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường

Ngô Linh

(Dân trí) - Cơn mưa bất thường lớn bất thường, hơn 80% diện tích rau củ của người dân làng rau Bàu Tròn thiệt hại nặng nề. Nhiều chủ vườn lâm vào cảnh trắng tay dù Tết Nguyên đán đang cận kề.

Chỉ còn vài tuần nữa sẽ vào thu hoạch vụ rau Tết nhưng 300 hộ dân ở vùng chuyên canh rau Bàu Tròn (vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh Quảng Nam với diện tích trên diện tích gần 50 ha) thuộc xã Đại An (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) "đứng ngồi không yên".

Cơn mưa bất thường cách đây hơn một tháng cùng với trận mưa lớn cuối tháng 12/2021 (từ 26/12 đến 29/12), khiến nhà nông bần thần lo sợ cảnh mất mùa.

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 1

Đợt mưa trái mùa cuối tháng 12/2021 khiến nhiều diện tích rau củ tại làng Bàu Tròn (vùng canh tác rau lớn nhất tỉnh Quảng Nam) hư hỏng nặng.

Đang cố vớt vát lại ít khổ qua chưa bị hư hại, bà Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi, làng rau Bàu Tròn) chia sẻ, năm nay, gia đình bà trồng tất cả 2 sào khổ qua, một sào đậu cô ve, một sào bắp nhưng hư hại nặng nề. Đợt mưa cuối năm 2021, mưa lớn bất thường khiến nước không kịp thoát, ứ đọng gây thối rễ, hư cây.

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 2

Quả hư thối, úng nước phải đổ bỏ rất nhiều, người dân mang ra bờ sông vứt thành từng đống lớn.

"Hoa màu nhà tôi hư hại khoảng 70% vì đất ở nơi cao, những chủ vườn đất thấp hơn thì mất trắng. Dựng lên 4 giàn khổ qua, giờ chỉ thu được một giàn, mà cũng chẳng được nhiều, hư thối gần hết rồi, hoa cũng chẳng đậu nữa. Đậu cô ve thì rụng nhiều, nấm gây hư hại. Bắp nhổ đi trồng lại 3-4 lần rồi vẫn gặp mưa", bà Tuyết buồn bã nói.

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 3

Trên dọc lối đi dẫn vào các ruộng rau củ, sẽ dễ bắt gặp rau củ hư hỏng vứt ra đường.

Theo bà Tuyết, chưa bao giờ bà gặp cảnh dù cận Tết Nguyên đán mà mưa nhiều như năm nay. Lệ thường, khoảng sau tháng 11 âm lịch, trời sẽ ít mưa hơn, người dân mới xuống giống. Thế nhưng năm nay, bất ngờ mưa muộn khiến nông dân không kịp trở tay.

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 4

Bà Nguyễn Thị Tuyết đang cố vớt vát số khổ qua còn sót lại, vườn của bà thiệt hại 70%, nhiều hộ đất thấp thì mất trắng.

Năm nay, gia đình bà Võ Thị Ngọc Hiệp (SN 1964, làng rau Bàu Tròn)  trông chờ vào một sào khổ qua, một sào đậu cô ve và một sào mướp để mong cái Tết no ấm hơn, nhưng giờ đây chỉ hy vọng mong lấy lại được vốn.

"Cả vườn còn mỗi sào mướp, giờ cũng đang có dấu hiệu thối quả, hoa khó đậu, vụ rau Tết năm nay coi như bỏ", bà Hiệp nói, không giấu được tiếng thở dài.

Theo bà Hiệp, làm rau gần 20 năm nay bà chưa bao giờ gặp thời tiết lại oái oăm như năm nay, mưa lớn dẫn đến việc úng nước, thân cây chết, cộng với việc sâu bệnh phát triển làm các loại quả hư hoặc thối.

Vùng rau Bàu Tròn hư hỏng nặng do mưa lớn bất thường vào dịp cuối năm

"Năm nay coi như mất Tết rồi, dịch Covid-19 khiến đầu ra không ổn định, phân bón, giống, vật liệu như lưới, sào đều đắt đỏ mà giá cả vẫn không lên được. Người dân chỉ mong hòa vốn để còn đầu tư lại, chứ lãi thì không có rồi, bao công sức coi như đi tong", bà Hiệp mệt mỏi nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhàn - Trưởng thôn Phú Phước (xã Đại An, huyện Đại Lộc), các đồng hoa màu ở Bàu Tròn nằm ven sông bình thường đem lại thu nhập lớn cho nhà nông. Nhưng năm nay, theo tính toán sơ bộ, hậu quả từ đợt thời tiết bất thường cuối năm khiến vụ rau tết của người dân hư hỏng và mất trắng khoảng 35 ha. Thôn đã lập danh sách những hộ dân thiệt hại gửi lên xã để có phương án hỗ trợ.

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 5

Nhiều diện tích hoa màu nhiễm nấm, hư hại.

Gắn bó với làng rau Bàu Tròn hơn 30 năm, nhưng chưa năm nào ông Huỳnh Văn Nhân (SN 1948) cũng như nhiều người dân khác gặp thời tiết bất lợi như năm nay. Các giàn khổ qua vườn nhà ông Nhân úa tàn. Giàn mướp thưa thớt quả, lá bắt đầu khô héo, báo hiệu cây sắp chết…

Những năm trước, mỗi sào khổ qua thu lại tầm 1,5 tấn quả, năm nay dự kiến chỉ được 1/3. Mướp cũng dự báo sụt giảm, còn chưa đến 400 kg, trong khi năm trước xấp xỉ một tấn. Những quả khổ qua hư hỏng hoặc bị vàng được các chủ ruộng cắt bỏ, mang đổ thành đống dọc bờ sông.

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 6

Mướp dù có giá nhưng bị hư thối, không có để bán.

"Giá khổ qua giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg, đậu cô ve khoảng 14.000 đồng/kg, giá quá rẻ, không đủ thu hồi lại vốn đã bỏ ra, trong khi giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng. Mướp vẫn có giá nhất nhưng lại không có để hái, hoa khó đậu, trái thì dần thối. Người dân đang cố vớt vát lại phần nào chứ bỏ thì uổng lắm, hộ nào mất trắng thì nhổ bỏ để trồng vụ mới", ông Nhân cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cũng lo lắng nói: "Với giàn khổ qua và ít đậu cô ve còn lại chắc thu hái khoảng tuần nữa là hết rồi, Tết không biết lấy gì bán. Vừa mất mùa, lại mất giá, người dân vụ này lỗ nặng rồi. Trong năm thì dịch dã khiến tiêu thụ gặp khó, cuối năm lại gặp cảnh mất mùa".

Cận Tết, nông dân điêu đứng khi rau củ úa tàn sau cơn mưa lớn bất thường - 7

Nhiều vườn đu đủ đang cho quả cũng bị úng, hư hại.

Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc, nhiều người dân chuyên canh tại cánh đồng rau Bàu Tròn (xã Đại An) bị thiệt hại khá nặng nề do mưa lớn cùng với nấm mốc, sâu bệnh.

"Chúng tôi đã có thông báo yêu cầu các địa phương tổng hợp danh sách các hộ dân bị thiệt hại để cập nhật, đề xuất chính quyền huyện hỗ trợ. Việc hỗ trợ như thế nào thì do cấp trên quyết định", ông Phương cho biết.