Cần định danh đúng các công ty công nghệ
(Dân trí) - Cần định danh đúng, chấp nhận nhìn vào cung – cầu thị trường để điều chỉnh khung luật, giúp doanh nghiệp phát huy thế mạnh nền tảng thay vì ép những mô hình doanh nghiệp mới vào khuôn quản lý cũ…
Nội dung trên là một trong những nội dung tiếp tục được nhiều chuyên gia trao đổi và tranh luận cho dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Những ý kiến đóng góp này đều chung ở một điểm, không thể triệt tiêu những mô hình kinh tế mới, thông minh, đáp ứng đúng xu thế các mạng 4.0 như Grab, Uber… Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT nên nhìn vào bản chất nền tảng của các doanh nghiệp để định danh và quản lý, thay vì buộc chung một giỏ để quản lý.
Các chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế hiện đại, tất cả các doanh nghiệp đều tập trung vào 4.0, chuyên môn hóa, tìm cách nâng cao hiệu quả, đây là vấn đề rất phức tạp, càng công nghiệp hóa bao nhiêu thì càng rút gọn công đoạn bấy nhiêu.
Trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vận tải, nhờ những nền tảng công nghệ mới mà các mô hình di chuyển văn minh ra đời. Với các nhà cung cấp từ khu vực, người dân có cơ hội sử dụng Grab, Uber, kéo theo sự ra đời của hàng loạt các ứng dụng nội địa như Aber, Vato….
Thực tế có thể thấy, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ này đều đầu tư vào việc phân khúc tiếp ứng vận tải mà không trực tiếp tham gia vào vận tải kinh doanh.
Những doanh nghiệp này không sở hữu phương tiện mà tập trung tạo ra các công cụ thế mạnh là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại, xử lí hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra đề xuất kết nối giữa hành khách với phương tiện gần nhất, hoặc đề xuất hiệu quả với mức giá cả niêm yết, mỗi một thiết bị có một tài khoản, tính hiệu quả rất cao.
Nếu chiếu theo các quy định cũ, có phần “khuôn sáo” của nghị định 86 thời chưa có 4.0 để định danh và quản lý doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ như doanh nghiệp vận tải thì nhiều khả năng sẽ “giết chết” các giá trị ưu việt của nền kinh tế chia sẻ, xoá bỏ ưu thế của hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, từ đó, mất đi những bước nhảy vọt về phát triển kinh tế xã hội.
Đề cập tới những phương thức kinh doanh vận tải mới xuất hiện như Grab, Uber, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng "tư duy của nhà quản lý hiện vẫn không chịu đổi mới". Điều này, theo ông, được thể hiện khá rõ trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến.
"Những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, có thể phải chịu những rào kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này. Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm nghiêm trọng", ông Cung nói.
Viện trưởng CIEM phân tích thêm, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện kinh doanh để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải...) không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải.
Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức hoàn toàn mới, sẽ làm thay đổi các quan hệ giao dịch hiện có, tạo ra cân bằng cung cầu và giá dịch vụ được xác định dựa trên phân tích cung cầu. Các nền tảng kinh doanh này cũng sẽ giúp giảm chi phí, thậm chí đưa chi phí giao dịch về bằng 0.
Liên quan đến việc định danh doanh nghiệp cung ứng phần mềm kết nối dịch vụ vận tải và có nên quản lý như các doanh nghiệp vận tải hay không, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc ghép chung doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng công nghệ kết nối vào vai trò của một nhà cung cấp dịch vụ vận tải sẽ triệt tiêu chuyên môn hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển nền tảng.
Từ góc độ riêng của mình, TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp Luật cũng cho rằng, nếu chúng ta quan niệm, ai tham gia vào một khâu của chuỗi cung ứng là cung ứng dịch vụ đó thì là không hợp lý.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì “việc quy định đơn vị nền tảng phải đáp ứng tất cả các điều kiện và quy định vận tải thì không đúng, anh là dân công nghệ, như T.Net, lại bắt phải mua cả một đội xe, rồi quy định phòng cháy chữa cháy, huấn luyện lái xe, v.v. là điều vô lý”, TS Ngô Vĩnh Bạch Dương nhấn mạnh.
Hà Anh