Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Khánh Hòa phát triển bền vững

Trung Thi

(Dân trí) - Với vị trí đặc biệt quan trọng của tỉnh, các đại biểu dự hội thảo về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đều thống nhất tỉnh cần có những cơ chế, chính sách đặc thù.

Ngày 31/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Khánh Hòa phát triển bền vững - 1

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: BTC).

Chủ trì hội thảo có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Khánh Hòa phát triển bền vững - 2

Ông Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - thông tin, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển vùng. Cụ thể, tỉnh đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và ưu điểm vượt trội đó, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng thừa nhận sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Một số mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành.

Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Khánh Hòa phát triển bền vững - 3

Ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (Ảnh: BTC).

"Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định" - ông Nguyễn Hải Ninh phát biểu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh khẳng định Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW cũng cho thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Việc nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra chưa được hoàn thành, nhất là trong những năm gần đây, phát triển của Khánh Hòa không có những tăng trưởng đột phá so với nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước.

Tại hội thảo nhiều đại biểu đều thống nhất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, để hướng tới phát triển bền vững Khánh Hòa trên cơ sở khai thác tốt, có hiệu quả các lợi thế tiềm năng của tỉnh.

"Khánh Hòa phát triển không phải chỉ riêng cho Khánh Hòa mà còn cho cả vùng và cả nước" - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.