Quảng Nam:
Cận cảnh nhà máy sô đa nghìn tỉ đồng “đắp chiếu”
(Dân trí) - Ngừng hoạt động hơn một năm qua do gặp vấn đề về môi trường và đầu ra sản phẩm, đến nay nhà máy sô đa Chu Lai đã có lối ra khi chủ đầu tư sắp có thêm tiền để phục hồi nhà máy, có điều kiện để trả nợ ngân hàng…
Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai - cho biết, để nhà máy hoạt động trở lại cần khoảng 300 tỉ đồng để sửa chữa những khiếm khuyết về môi trường, trả nợ lương công nhân, tu bổ lại hệ thống máy móc…
Đối với khoản nợ của các ngân hàng, ông Dũng cho hay đã được các bên thỏa thuận theo hướng cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ. Tức là doanh nghiệp được phép kéo dài thời hạn trả nợ ngân hàng. Chủ đầu tư nhà máy sô đa Chu Lai cũng cho biết, hiện đã có một đối tác “bơm” tiền vào để nhà máy sô đa Chu Lai “sống” lại.
“Đầu tháng 5 này, các công nhân sẽ bắt đầu tiến hành sửa chữa các thiết bị hư hỏng. Thứ 2 là đầu tháng 5, cổ đông mới sẽ cử đoàn chuyên gia vào cùng anh em cũ bàn bạc. Ai đi chăng nữa thì nhà máy phải vận hành chứ không thể không vận hành được”, ông Dũng nói.
Trao đổi với PV Dân trí về điều kiện để nhà máy sô đa Chu Lai hoạt động trở lại, ông Lê Vũ Thương - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, trước hết doanh nghiệp phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Ông Thương cũng cho rằng, chí ít doanh nghiệp phải cần một khoản tiền trên 500 tỉ đồng.
“Vấn đề cốt lõi để nhà máy sô đa Chu Lai hoạt động lại chính là vấn đề tài chính, từ xử lý các khoản nợ, vốn lưu động, làm lại hệ thống xử lý môi trường”, ông Thương nói.
Về vấn đề xử lý môi trường, ông Thương cho hay đây là vấn đề cốt lõi để sô đa Chu Lai hoạt động. Khi có nguồn tài chính, chủ đầu tư sô đa Chu Lai làm lại nhà máy, duy tu đường ống, xử lý môi trường. Khi làm xong, mời cơ quan chức năng đến kiểm tra, xét thấy kiểm tra đầy đủ, đảm bảo đầu ra không bị ô nhiễm môi trường thì cơ quan chức năng công nhận để hoạt động lại.
“Theo quy định thì Bộ TN-MT hoặc Bộ ủy quyền lại cho Sở TN-MT thành lập một hội đồng và đoàn xuống kiểm tra. Trước khi kiểm tra thì doanh nghiệp phải có số liệu báo cáo đầy đủ, đoàn thấy rằng việc đó đảm bảo đúng theo các quy định, hướng dẫn về việc xác nhận công trình này đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường đảm bảo hết rồi thì cho nhà máy đi vào hoạt động”, ông Thương khẳng định.
Đến nay, ngoài các khoản nợ hơn 2.000 tỉ đồng của các ngân hàng, chủ đầu tư nhà máy sô đa Chu Lai này còn nợ các khoản thuế, lương công nhân, tiền điện, tiền thuê đất hơn 340 tỉ đồng.
Trước đó, do doanh nghiệp không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam phát đơn kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam. Cùng với việc khởi kiện ra tòa, ngân hàng cũng thành lập tổ xử lý nợ, thuê bảo vệ để giữ tài sản thế chấp là nhà máy, hỗ trợ nhà đầu tư tìm đối tác để bán cổ phần.
Nhà máy sô đa Chu Lai
Trước đó, như Dân trí phản ánh, nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai được đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Sau 5 năm đầu tư với trang thiết bị có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, tháng 6/2015, nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai đi vào hoạt động, đến tháng 8/2016 phải tạm dừng do gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, người dân phản đối quyết liệt.
Doanh nghiệp này từng bị xử phạt vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 700 triệu đồng. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ TN-MT yêu cầu nhà máy sô đa Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình của nhà máy này.
Công Bính