Cán bộ tài chính có tham nhũng nhưng “thiệt hại thấp!”
(Dân trí) - Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính tuy có xảy ra như lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ nhà nước...nhưng ở mức độ thiệt hại thấp.
125 vụ tham nhũng trong 10 năm
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính chiều ngày 18/1, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2015, Thanh tra ngành Tài chính đã triển khai 341.403 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 90.700 tỷ đồng.
Đồng thời, cơ quan này cũng đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.634 cá nhân có vi phạm (chủ yếu là cán bộ, công chức vi phạm quy trình, nghiệp vụ, quy chế nội bộ...).
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng. Từ năm 2006 đến năm 2015, Bộ Tài chính đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng.
Số đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện là 134 người. Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 34 vụ việc tham nhũng, truy tố 7 vụ án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử là 42 vụ với 66 đối tượng bị kết án tham nhũng; số vụ việc tham nhũng đã được xử lý hành chính là 113 vụ với 121 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, đang được xem xét để xử lý là 5 vụ với 5 đối tượng.
Bên cạnh đó, qua giải quyết 57 vụ tố cáo liên quan đến tham nhũng (trong tổng số 58 vụ việc tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền), đã phát hiện 7 vụ việc với 12 người có hành vi tham nhũng.
Cũng trong giai đoạn này, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng đã phát hiện 166 vụ việc liên quan đến tham nhũng, giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng là 66,6 tỷ đồng, đã được thu hồi, bồi thường là 30,2 tỷ đồng.
322 triệu đồng quà tặng được nộp lại
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho hay, 10 năm qua, trong toàn ngành bình quân hàng năm đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác bình quân trên 10.000 lượt người/năm. Trong đó, Tổng cục Thuế 93.310 lượt, Tổng cục Hải quan trên 11.091 lượt, Kho bạc Nhà nước 8.646 lượt….
Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định và chỉ đạo thực hiện xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ.
Trong 10 năm qua đã thực hiện xử lý đối với 27 tập thể, cá nhân có vi phạm bằng các hình thức như: không khen thưởng, hạ thi đua, hạ bậc lương, giáng chức, khiển trách, cảnh cáo.. Cụ thể, ngành Thuế có 19 trường hợp; hệ thống Kho bạc Nhà nước có 3 trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; ngành Hải quan có 5 trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý hình sự do có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng tại đơn vị.
Liên quan đến việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Kết quả, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định.
Từ năm 2007 đến năm 2015, các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính đã kê khai, nộp lại quà biếu, quà tặng đã nhận theo quy định, gồm 322 triệu đồng, 1 bộ máy vi tính; 15 bức tranh thêu; 1 lọ hoa; 1 bộ sách và đĩa hát.
Theo nhận định của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính tuy có xảy ra trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách, nhưng chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ nhà nước...nhưng ở mức độ thiệt hại thấp.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn công tác phòng chống tham nhũng, lãnh đạo ngành tài chính đề xuất, cần phải có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Điều này nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, chứ không chờ đến khi đã kết án về hành vi tham nhũng.
Bà Mai cũng cho rằng, “cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi xác định hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ”.
Bích Diệp