1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cầm cố cổ phiếu: Cần có phương án đề phòng rủi ro

Thị trường chứng khoán đang nóng, nhiều nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu tại ngân hàng để vay tiền quay vòng tiếp, với hy vọng tăng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ và có phương án dự phòng thì nhà đầu tư dễ bị “sập bẫy”.

Giá cổ phiếu luôn biến động nên khi nó đi xuống thì giá trị đầu tư giảm nhưng nợ lại tăng lên

Ngân hàng nắm đằng chuôi

Đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại trên cả nước đều đã mở dịch vụ cầm cố (hoặc mua bán có kỳ hạn) cổ phiếu để các nhà đầu tư vay tiền mua chứng khoán. Đối với các ngân hàng quốc doanh, tuy không tham gia trực tiếp nhưng họ lại rót tiền cho công ty chứng khoán con thực hiện mua bán có kỳ hạn cổ phiếu.

Mức lãi suất, tỉ lệ cho vay và hạn mức tín dụng ở mỗi ngân hàng định ra một mức khác nhau, trên cơ sở tính toán để vừa bảo đảm đầu ra cho nguồn vốn và đạt hệ số an toàn cao.

Các ngân hàng chọn ra những loại cổ phiếu được ưa chuộng trên thị trường, nắm giá giao dịch hằng ngày để điều chỉnh định mức cho vay, nhưng thường không quá 4 lần mệnh giá cổ phiếu.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Eximbank trên thị trường là 12 triệu đồng/cổ phần (mệnh giá mỗi cổ phiếu 1 triệu đồng), các ngân hàng cầm cố chỉ cho vay tối đa 4 triệu đồng. Đồng thời, trong hợp đồng luôn thòng thêm một câu: Khi giá cổ phiếu trên thị trường giảm xuống khoảng 30% thì khách hàng phải bổ sung tài sản cho cân bằng với giá trị thẩm định ban đầu hoặc phải trả bớt nợ cho cân bằng với giá trị thẩm định mới.

Nếu người vay tiền không đáp ứng được một trong 2 điều kiện đó thì ngân hàng buộc phải bán tháo cổ phiếu để thu hồi vốn. Vì vậy nhà đầu tư luôn phải có kế hoạch dự phòng cho tình trạng “bất ngờ” này.

Nguy cơ giá trị giảm, nợ tăng

Nếu thị trường thăng tiến vững chắc thì vay vốn đầu tư là thượng sách. Để an toàn, nhà đầu tư cần có kế hoạch cụ thể, vay trước để mua, sau đó bán lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán luôn biến động nên khi giá giảm xuống thì giá trị đầu tư giảm theo nhưng nợ lại tăng lên. Do ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý bầy đàn nên khi giá cổ phiếu xuống mạnh thì nhiều nhà đầu tư hoảng hốt, bán tháo, làm cho chỉ số giá xuống càng nhanh.

Lúc đó, vì số lượng cổ phiếu “xếp hàng” bán rất đông nên dù có bán giá sàn nhưng trong cả tuần chưa chắc đã bán được. Trong hơn tháng qua, những nhà đầu cơ mới cổ phiếu Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) ngắn hạn đã “thấm đòn” với tình trạng này, khi giá tuột một mạch từ 315.000 đồng/cổ phiếu (15/12/2006) xuống còn 166.000 đồng/cổ phiếu (4/1/2007).

Giả sử nhà đầu tư vay toàn bộ tiền để mua TDH một ngày sau khi lên sàn (lúc giá cao nhất) thì trong 3 tuần giá trị chứng khoán mất đi 48% (quy tròn), nhưng nợ lại tăng lên do phát sinh thêm tiền lãi. Đến nay dù đã “tỉnh lại” nhưng TDH vẫn chỉ đạt mức 185.000 đồng/cổ phiếu.

Do đặc thù giá cổ phiếu luôn tiềm ẩn rủi ro như vậy nên khi cầm cố để vay tiền đầu tư tiếp, nhà đầu tư cần dự phòng phương án đối phó, như: vay trong hạn mức kiểm soát được, với tỉ lệ thấp so với tài sản của mình. Khi cảm thấy không an toàn thì bán nhanh để thu hồi vốn ngay để trả nợ, giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.

Đối với những loại cổ phiếu giảm giá do tình hình chung của thị trường, nếu thấy tương lai có lợi thì nên cầm cự chờ thời. Với một thị trường đã lớn như hiện nay, giá cổ phiếu nếu có giảm xuống, chỉ một thời gian sau cũng sẽ phục hồi, có khi còn tăng mạnh hơn.

Theo T.Đ.Dương
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm