Cam Canh, bưởi Diễn: Chợ ê hề, vào vườn không mua được

Nhiều người Hà Nội cất công đến tận vườn để đặt mua Cam Canh, bưởi Diễn (Từ Liêm) để đặt hàng tuy nhiên vào thời điểm này nhiều nhà vườn không dám nhận vì khách đã đặt mua gần hết.

Trong khi chủ vườn khẳng định bưởi đã được đặt hàng trước với mức giá từ 60.000- 70.000 đồng/quả, giờ chỉ còn số lượng nhỏ thì trên nhiều con đường gần khu vực này, bưởi Diễn được bán rất nhiều, tiểu thương nào cũng khẳng định hàng chính gốc, mua bao nhiêu cũng có và giá chỉ 35.000- 40.000 đồng/quả, bằng một nửa so với tại vườn.

 

Trước đây bưởi Diễn được trồng nhiều ở Phú Diễn, Minh Khai, Kiều Mai nhưng hiện nay diện tích đất bị thu hẹp,những hộ còn trồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Bưởi Diễn tại vườn đã được nhiều người đặt hàng trước
Bưởi Diễn tại vườn đã được nhiều người đặt hàng trước

 

Hiện nay bưởi Diễn còn được trồng ở nhiều nơi khác như Hà Tây, Hưng Yên…Lo ngại mua phải bưởi Diễn “nhái” nên nhiều người phải cất công đến tận vườn để đặt mua.Theo lời của nhiều người dân thì bưởi ngon nhất là được trồng ở đất thổ cư, đưa bưởi ra trồng ngoài đồng cũng đã không ngon bằng chứ đừng nói  là trồng ở các vùng khác. Sở dĩ bưởi Diễn chính gốc được nhiều người chọn mua vì bưởi có mùi  thơm, mọng nước , vị ngọt đậm và khi bóc ra tôm bưởi phải có màu vàng.

 

Hết đất trồng cam, bưởi

 

Hỏi thăm đường vào “thủ phủ” trồng bưởi Diễn, anh Thành (Kiều Mai, Từ Liêm) cho biết ở đây có 3 xã trồng bưởi Diễn là Phú Diễn, Minh Khai, Kiều Mai nhưng vào tìm được nhà trồng bưởi và còn bưởi thì khó lắm vì thời điểm này nhiều người họ đặt hàng hết rồi.

 

 Bưởi Diễn được bán trên đường Phúc Diễn, nhưng giá chỉ bằng một nửa so với tại vườn
 Bưởi Diễn được bán trên đường Phúc Diễn, nhưng giá chỉ bằng một nửa so với tại vườn

 

Anh Thành chia sẻ: “Trước đây nhà tôi cũng có trồng những đặc sản này nhưng giờ chỉ có “trồng bưởi sinh viên” thôi vì làm gì có đất nữa, xây nhà trọ hết rồi”.

 

 Chị Hiếu (làng Văn Trì, Minh Khai) chủ của vườn bưởi Diễn hơn hai sào cho biết, đây là bưởi Diễn chính gốc, nếu không vào tận vườn mua thì mua ngoài đường người ta toàn lấy bưởi ở đâu đâu trà trộn vào. Nhà chị năm nay thu hoạch chắc cũng gần 300 quả nhưng người ta đặt mua gần hết. "Nhà mình không bán ngoài chợ vì người ta toàn đánh xe vào tận vườn, họ đặt mua hết nên không có bưởi mà đem đi chợ bán ấy chứ", chị nói.

 

Giải thích việc  khó mua bưởi chính gốc chị Hiếu cho hay: bây giờ người ta toàn bỏ bưởi, xây nhà cho sinh viên thuê, làm gì có đất mà trồng bưởi nữa. Nhà chị trước đây có vườn rộng  6 sào nhưng bị giải tỏa làm trường học rồi. Mà tính ra cho sinh viên thuê trọ kinh tế hơn nhiều. Trồng bưởi cứ như mấy năm trở lại đây toàn mất mùa, nhiều năm chẳng được quả nào.

 

Thời tiết thất thường, cùng với quá trình đô thị hóa, người dân nơi đây đã không còn mấy mặn mà với cái nghề trồng bưởi nữa.

 

Nhà bà Lê, bà Thiện là một trong ít nhà ở thôn Văn Trì vẫn còn trồng bưởi nhưng cả hai bà đều chia sẻ không lâu nữa vườn bưởi này cũng phải chặt đi để cho con cái xây nhà. Chỉ có mỗi mảnh vườn này, nghề trồng bưởi đã có từ bao đời nay, giờ chặt đi thì tiếc lắm nhưng chẳng làm thế nào được.

 

Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng thôn Văn Trì, xã Minh Khai cho biết: Ngày xưa hầu như nhà nào cũng có vườn bưởi nhưng cách đây 5 năm về trước, lực lượng thuê trọ nhiều, tính ra phải đến gần 7.000 sinh viên thuê trọ tại đây nên bà con bỏ bưởi xây nhà cho thuê. Bưởi được đưa ra đồng trồng nhưng hiệu quả không cao, còn bưởi trồng trong đất thổ cư thì chỉ còn mấy nhà. Nhà nước cũng có hỗ trợ tiền đầu tư cho người dân nhưng mấy ai còn mặn mà.

 

Ngay nhà trưởng thôn cũng bỏ vườn bưởi để xây nhà trọ. Theo ông Bình tính toán thì với 140m2, mỗi tháng anh thu về 20 triệu đồng tiền cho sinh viên thuê nhà trọ.

 

Vị trưởng thôn chia sẻ, ngoài xây nhà trọ nhiều nhà vườn rộng cắt đất bán xây nhà cũng làm cho điện tích trồng bưởi thu hẹp. Cả thôn hiện nay khoảng 15% hộ còn duy trì trồng bưởi.  “Trên thị trường không có bưởi Diễn chính gốc, mua trên thị trường là bưởi Diễn Sơn Tây, Phú Thọ… chứ ở đây dân sành ăn người ta vào mua tận vườn, đặt hàng cho cả năm sau luôn. Hồi xưa cứ độ này đi ngoài đường là đã thơm nức của bưởi rồi, một mùi đăch trưng riêng nhưng giờ chỉ có mùi ô nhiễm môi trường thôi…”.

 

Loạn giá cam Canh

 

Bưởi Diễn chính gốc khó mua là thế nhưng còn may mắn hơn cam Canh. Đến làng Canh, nhiều người dân ở đây cho biết, làm gì còn đất mà trồng cam. Tuy nhiên trên nhiều dọc đường cam Canh vẫn được bày bán rất nhiều, giá chỉ 40- 80.000 đồng.

 

Theo anh Thành thì đây là Canh chính gốc, giá 120.000 đồng/kg
Theo anh Thành thì đây là Canh chính gốc, giá 120.000 đồng/kg
 

PV vào thăm vườn cam Canh hơn 500 gốc của anh Thành, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội.  Theo lời giới thiệu của anh thì cam Canh, hay còn gọi là cam tiến Vua. Hiện tại trong vùng chỉ có mình anh trồng cam này. Tuy nhiên giá cam ở đây khá đắt 120.000 đồng/kg.

 

“Gíá thế cũng là hợp lý rồi vì ngoài chợ người ta bán cam vớ vẩn đã gần cả trăm nghìn, cam to, vỏ đẹp nhưng bên trong khô khốc. Còn đây là cam Canh chính gốc. Cam chỉ cần bóc ra đã thấy mùi thơm lừng, ngọt thì khỏi nói. Người ta đặt mua nhiều lắm, chủ yếu là mua về làm quà biếu thôi chứ với giá này dân buôn người ta không dám lấy”, anh Thành phân trần.

 

Tại chợ Vân Canh, cam Canh được bán với giá 80.000 đồng/kg. Nếu người mua không tinh ý thì nghĩ là mua được cam chính gốc nhưng thực ra đó là cam Canh Hưng Yên. Chị Huệ, chủ quầy hàng cho hay: “Mua cam chính gốc không có đâu em ạ, chị là dân ở đây mà chẳng mua được nữa là, cam Canh Hưng Yên này ăn cũng không khác gì đâu”, chị này giải thích thêm.

 

Một cửa hàng hoa quả khác cũng đề bán cam Canh nhưng giá 40.000 đồng/kg. Khi PV thấy hơi băn khoăn thì chị bán hàng này cho biết “đây là cam Canh Yên Bái”.

 

Khó phân biệt được đâu là cam Canh, bưởi Diễn "xịn" trên thị trường nên tìm đến tận vườn để mua, theo nhiều người đó là một cách an toàn để đáng "đồng tiền bát gạo". Tuy nhiên diện tích trồng bưởi, cam đang ngày ít đi, không phải ai cũng mua được trong dịp Tết đến, xuân về này.

 

Theo Diệu Thùy

Infonet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm