Cải tạo chung cư cũ: Nhìn từ chung cư… hoang!

(Dân trí) - Một khu đất được đánh giá đất vàng nhưng hiện tại chỉ là những xác nhà lác đác hộ dân sinh sống. Gần 5 năm từ khi khởi động xây mới chung cư D2 Giảng Võ, giờ đây khu nhà nay biến thành một chung cư hoang.

Người dân thì gắng bám với dãy nhà dù sống trong ô nhiễm, bất an…

Sống trong sợ hãi

Khu chung cư D2 Giảng Võ có hai mặt tiền là giáp với đường Gảng Võ và đường Trần Huy Liệu, khu nhà này nằm liền kề với trung tâm triễn lãm Giảng Võ. Phía trước khu nhà được quây kín bởi hàng rào tấm tôn xanh cao quá đầu người, cũng ở vị trí này cách đây 2 năm là những siêu thị lớn luôn tấp nập người ra vào mua sắm.
Cải tạo chung cư cũ: Nhìn từ chung cư… hoang!

Số ít các hộ còn ở tại chung cư D2 Giảng Võ sống trong cảnh ô nhiễm, bất an

Đằng sau tòa nhà là khu chợ dân sinh luôn tấp nập người mua bán. Khung cảnh ồn ào của khu chợ phía dưới hoàn toàn đối lập với cảnh tượng vắng vẻ hoang vu của chính khu nhà. Bà Trần Thị Ngọc Yên, tổ trưởng khu phố cho hay cả khu nhà hiện tại hơn 86% trong tổng số 114 hộ đã di dời, chỉ còn lại hơn chục hộ đang còn sinh hoạt. Bà Yến cho biết một số hộ không chịu nổi điều kiện về vệ sinh ô nhiễm chấp nhận đi ở nhờ nơi khác thỉnh thoảng mới ghé về trông coi.

Tầng ba của khu nhà là dãy nhà hiện tại chỉ còn 2 hộ còn đang sinh hoạt. Tại một số căn phòng, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi người qua lại, quanh căn hộ là những đống gạch vụn, rác thải vứt bừa bãi, những chiếc kim tiêm rải rác khắp nhà. Đằng sau căn phòng là vũng nước mưa ứ đọng đầy ruồi muỗi bay bám.

Theo bà tổ trưởng dân phố:  “Các hộ dân đang sống phải sống chung với chuột gián . Đuổi cách nào đi nữa thì nó cũng không hết được. Vào những hôm mưa, muỗi ở đâu bay đến nhiều vô kể, trời mưa một buổi thì  mùi hôi thối xộc thẳng vào phòng. Cả ngày không dám mở cửa”
Cải tạo chung cư cũ: Nhìn từ chung cư… hoang!

Những căn hộ để hoang là "địa chỉ" của giới nghiện ngập

Không chỉ vệ sinh của khu nhà ô nhiễm nghiêm trọng mà trật tự an ninh của khu phố của bị đe dọa nghiêm trọng. Anh Lê Quốc Hùng, trú tại phòng 417 kể, trước khi có dự án cải tạo nhà, khu nhà này an ninh rất tốt nhưng hiện tại thì vào ban đêm thường xuất hiện những người lạ ra vào rồi trộm cắp vặt cũng có.

Để tự bảo vệ mình anh Hùng và các hộ dân ở nhà D2 đều lắp thêm 2 ổ khóa nhà và dựng thêm những cánh cửa sắt ngay trước lối vào nhà mình. Anh Hùng kể: “Ngay cả việc đưa đón vợ con, ngày trước các cháu đi học về tự lên phòng thì bây giờ tôi phải xuống tận cầu thang để đưa lên nhà mới yên tâm. Nơi đây từ hơn một năm nay khi đa số hộ dân chuyển đi thì nó thành bãi đáp của bọn nghiện ngập. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp với phường nhưng tới nay không giải quyết được gì”.

Chính tại tầng 3 của chung cư này, vào ngày 21/4, anh Hùng phát hiện ra mùi hôi thối tanh nồng, khi gọi thêm người đến tận nơi xem xét thì phát hiện thấy xác người treo cổ tại phòng 320 đã thối rửa không biết từ khi nào.

Trao đổi với PV về hiện trạng chung cư D2, đại diện chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Gia Bảo cho hay: “Việc người dân di dời đến nơi ở mới, chúng tôi đã cho người tới khóa các nhà lại nhưng có thể bọn trộm cắp vào đập cửa trộm đồ. Phía công ty cũng cắt cử một tổ vào bảo vệ thường trực ở khu nhà để bảo đảm an ninh trật tự”. Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm hiểu và thu thập thông tin trong hai ngày thì PV không thấy có bất cứ bóng dáng một bảo vệ nào.

Chưa biết bao giờ xây mới

Khu nhà D2 Giảng Võ theo dự kiến sẽ được xây 21 tầng theo chương trình cải tạo chung cư cũ của UBND TP Hà Nội. Sau khi lập xong dự án, Gia Bảo đã hợp tác Liên danh với Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long. Theo dự kiến ban đầu khi lập dự án, cuối tháng 10/2010 tòa nhà 21 tầng mới sẽ được khởi công xây dưng.

Cho tới nay thời gian đã gần 5 năm tòa nhà 21 tầng trong tương lai vẫn nằm in trên giấy. Hiện tại, cuối tháng 5 trên trang web của công ty Gia Bảo vẫn để thông tin thời gian dự kiến khởi công vào tháng 4/2012. Theo các hộ dân lý do họ không chịu di dời vì không có niềm tin ở chủ đầu tư là công ty Gia bảo và liên danh mới mà chủ đầu tư lập ra.

“Họ không nói rõ với chúng tôi về địa điểm cụ thể mà chúng tôi sẽ về lại sau khi tòa nhà xây xong. Thêm nữa, cho tới bây giờ các công trình cải tạo các chung cư xung quanh như B6 đã 3 năm mà chưa giải phóng mặt bằng, còn C7 đã 4 năm mà giờ chưa hoàn thiện. Chúng tôi không tin ở liên danh này”, bà Yến cho biết.

Trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư cho biết  không thể ấn định thời gian khởi công xây dựng công trình, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào công tác giải phóng mặt bằng của quận Ba Đình. “Hiện tại, chúng tôi chỉ biết rà soát lại các hộ đang còn ở lại rồi trình chính quyền giải quyết”. 

Theo LS Bùi Quang Hưng, văn phòng BQH và cộng sự thì việc đi đến một kết quả khả thi do hai phía từ chủ đầu tư và người dân đồng thuận nhưng trong trường hợp này là không phải xây dựng các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư thì mỗi bên đều có lợi ích riêng của mình và rất khó thỏa hiệp.

Một chuyên gia của Tổng hội Xây dựng cũng cho hay: “Thực chất ở đây là lợi ích của mỗi bên. Nhưng chủ đầu tư trong trường hợp này là xây dựng khoảng không chiều cao thống nhất là cả một tòa nhà nên không thể áp dụng cách thức giải phóng mặt bằng đến đâu xây dựng đến đó được. Việc không tạo được sự đồng thuận ngay từ khi lập dự án dẫn đến kết cục dang dở như ngày hôm nay”.

 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 8 dự án cải tạo chung cư cũ đã phá dỡ, khởi công xây dựng lại; 6 dự án khác đã được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch, đề xuất phương án quy hoạch chi tiết 1/500, trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND TP phê duyệt, có thể triển khai trong năm 2012. Có 9 dự án được chấp thuận, hỗ trợ quỹ nhà tạm cư, 15 dự án hoàn thành điều tra xã hội học, thỏa thuận các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Số còn lại, 54 dự án đang điều tra xã hội học, 3 dự án là nhà biệt thự không được phép phá dỡ, 4 dự án chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu tiến độ, đề xuất đơn vị khác thay thế…

Hà Nội hiện có 982 nhà chung cư cũ 4-5 tầng do thành phố quản lý, ngoài ra còn có 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý. Trong đó có 11 công trình nhà chung cư nguy hiểm cấp D, cần tổ chức di dời, cải tạo, xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở.

 

Thông Chí