1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cải tạo chung cư cũ: Di chuyển nơi ở mới có khả thi?

(Dân trí) - Hạn chế việc bố trí tái định cư tại chỗ trong các khu chung cư cũ và di chuyển các hộ gia đình, cá nhân đến nơi ở mới là một trong những giải pháp đang được chú ý. Tuy nhiên, việc di chuyển nơi ở mới đối với người dâ liệu có khả thi?

Xuống cấp nghiêm trọng vẫn không cải tạo được

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do Thành phố quản lý, ngoài ra còn có 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH MTV ĐTPT nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý.

Cải tạo chung cư cũ: Di chuyển nơi ở mới có khả thi? - 1
Hàng loạt chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa thể cải tạo được (ảnh minh họa)

Trong đó có 11 công trình nhà chung cư nguy hiểm cấp D, tổ chức di dời, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật nhà ở: nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, 2, 3 Thái Hà; P3 Phương Liệt (quận Đống Đa); C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148 - 150 Sơn Tây.

Tuy nhiên, tình hình triển khai chậm: nhà B6 Giảng Võ mới khởi công, C1 Thành Công chưa thực hiện, 148 - 150 Sơn Tây chưa tiến hành vì mới điều chỉnh quy hoạch.

Đáng chú ý, chung cư Văn Chương hơn 10 năm vẫn nằm không. Một số chung cư khác đã đo đạc, lấy ý kiến người dân, có sự thỏa thuận, giao đất… nhưng vẫn chưa thể tiến hành.

Hầu hết chung cư cũ hiện đều trong tình trạng "quá tải", các căn hộ bị đục phá, cơi nới làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền, gây ra thấm dột và xuống cấp về chất lượng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định: Một số doanh nghiệp bằng mọi giá vào để thỏa thuận với dân. Nhưng trong quá trình thỏa thuận phát sinh rất nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là đòi hỏi về quyền lợi: diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ…

Sau đó quay lại tạo sức ép với thành phố để nâng cao tầng, đảm bảo tái định cư. Đây là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư khác vào kích động người dân bằng cách họ đưa ra những ưu đãi lớn hơn để dân phản đối đơn vị thành phố giao nhiệm vụ, gây nên những lộn xộn…

Thay đổi chỗ ở - vấn đề không thuộc về người dân

Theo đề xuất của ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), đối với các khu nằm ở vị trí trung tâm, đất đai có giá trị sử dụng cao thì cần được nghiên cứu khi lập quy hoạch để tái thiết xây dựng thành khu trung tâm với các chức năng công cộng là chủ yếu, hạn chế chức năng nhà ở.

“Khi lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại phải hạn chế việc bố trí tái định cư tại chỗ mà cần quan tâm bố trí, di chuyển các hộ gia đình, cá nhân đến nơi ở mới. Đảm bảo cho các hộ dân được đến nơi ở mới có chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ cả về diện tích, chất lượng cũng như môi trường sống, ngoại trừ các khu vưc cần bảo tồn.” – ông Thiện nói.

Ông Lê Văn Thịnh - Trưởng phòng Giám định I, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) lại đưa ra giải pháp: Hà Nội nên quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh một vài khu đô thị gồm có cả nhà bán và nhà cho thuê, với hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ, đầy đủ trường học, bệnh viện, công viên, khu thương mại, khu thể thao.

Người dân khi thấy được lợi ích là di chuyển để có diện tích sống rộng hơn, môi trường, dịch vụ sống tốt hơn, họ sẽ tự nguyện di dời ra đô thị ngoại thành.

Xem ra những đề xuất trên có vẻ khá hợp lý. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo ngại hơn cả chính là tính thực thi của những chính sách này nếu được phê duyệt.

Việc hầu hết các khu đô thị mới trong thời gian vừa qua đều phát triển một cách thiếu đồng bộ và manh mún vẫn là những bằng chứng rõ nét nhất cho tính khả thi của vấn đề này. Đấy là chưa nói đến chất lượng nhà ở tại những dự án dành cho đối tượng tái định cư đã trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận.

LH