Bộ trưởng Công Thương: "Còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP"

(Dân trí) - Sáng nay, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về Hiệp định TPP.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 23, Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao ủy thương mại EU lần thứ 15 tại Manila, Philippines, diễn ra từ ngày 9-10/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia TPP cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Hoa Kỳ có thay đổi chính sách và rút khỏi TPP.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có trao đổi song phương với các nước ASEAN về TPP. Cả 4 nước ASEAN đều có những nhận định và đánh giá tương đối giống nhau.

"Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP. Do vậy, các nước ASEAN cùng thống nhất dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới đây là cơ hội để các nước TPP có đánh giá tình hình kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng đánh giá, trong thời gian gần đây, thương mại thế giới phát triển chậm lại và không còn thể hiện được vai trò là đầu tầu kéo nền kinh tế toàn cầu phát triển nữa. Một số nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu e ngại các tác động của tiến trình toàn cầu hóa đến công ăn việc làm trong nước. Đây là nguyên nhân gây nên tâm lý chống toàn cầu hóa ở một số nơi.

"Tuy nhiên, trong bình diện ASEAN thì xu hướng hợp tác, tăng cường hội nhập vẫn là xu thế chung. Đặc biệt, 4 nước trước đây có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN là Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cao không những so với các nước phát triển hơn trong ASEAN mà cả so với các nước khác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dường như xu hướng bảo hộ ở một số nơi càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài", Bộ trưởng nói.

Thông tin thêm về Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 23 này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hội nghị lần này đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Ngoài việc nhất trí thông qua các ưu tiên trong hợp tác kinh tế của năm ASEAN 2017, Hội nghị cũng thống nhất được một số nội dung để thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thể hiện vai trò trung tâm của các nước ASEAN trong cuộc đàm phán quan trọng này.

Tại Hội nghị tham vấn với Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và EU đã có bước tiến được xem là mạnh nhất trong hợp tác hai khối thời gian gần đây. Cụ thể là hai bên thông qua việc ra tuyên bố hướng tới tái khởi động đàm phán FTA giữa hai khu vực và cùng nhau nghiên cứu một cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước nhận đầu tư.

"Trong bối cảnh xuất hiện xu thế chống toàn cầu hóa ở một số nơi thì việc hai khối ASEAN và EU cùng thống nhất hợp tác với nhau là một bước tiến hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với 2 khu vực nói riêng mà cả trên bình diện quốc tế. Trong đó, riêng Việt Nam cùng với Singapore là hai nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán Hiệp định FTA với EU. Chúng ta đã cùng EU tìm ra khuôn mẫu hợp tác giữa EU với một nước đang phát triển theo hướng các bên cùng có lợi", ông nói thêm.

Phương Dung