Các tỷ phú Việt "làm không công"

Kim Ngọc

(Dân trí) - Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đều không nhận thù lao trong 1-2 năm qua.

Danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 vừa được Forbes công bố gồm 6 đại diện của Việt Nam, gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Thù lao 0 đồng

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) có khối tài sản cao nhất trong danh sách, với 4,3 tỷ USD. Ông Vượng cũng là tỷ phú Việt duy nhất nằm trong top 1.000 người giàu nhất thế giới, đứng vị trí 636.

Kể từ năm 2021, khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, con số thù lao của ông Phạm Nhật Vượng mới được công bố. Luật quy định, thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác được thể hiện thành mục riêng trên báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên. Từ năm 2020 trở về trước, tập đoàn công bố chung lương và thưởng của HĐQT, ban giám đốc, không công bố từng thành viên.

Trong 2 năm liền (2021-2022), ông Phạm Nhật Vượng đều không nhận thù lao. Cùng với ông Vượng, bà Nguyễn Diệu Linh, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup, cũng không nhận thù lao 2 năm. Một số phó chủ tịch HĐQT khác như bà Phạm Thúy Hằng, bà Phạm Thu Hương, ông Nguyễn Việt Quang năm trước không nhận thù lao, năm 2022 nhận mỗi người trên 2 tỷ đồng.

Các tỷ phú Việt làm không công - 1

Ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long nhận thù lao 0 đồng năm 2022 (Ảnh: DN).

Vingroup đã trải qua 2 năm kinh doanh biến động theo tình hình kinh tế chung. Năm 2021, tập đoàn lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 2.513 tỷ đồng trong khi năm 2020 lãi 5.464 tỷ đồng. Nguyên nhân là giảm lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư trong công ty con và các khoản đầu tư tài chính; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng; tăng chi phí các khoản bồi thường hợp đồng thương mại. Năm 2022, lợi nhuận khởi sắc đạt gần 8.782 tỷ đồng, được cải thiện do lãi từ chuyển nhượng công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính.

Cùng nhận thù lao 0 đồng là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN). Từ năm 2020, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của tập đoàn này đã thể hiện ông Nguyễn Đăng Quang không hề nhận thù lao.

Điều đặc biệt là không chỉ mình ông Quang, các thành viên khác trong HĐQT của tập đoàn cũng đều không hưởng thù lao từ năm 2020. Ngược lại, Tổng giám đốc Danny Le (thay ông Nguyễn Đăng Quang từ tháng 6/2020) có mức lương, thưởng và phúc lợi mỗi năm 11-12 tỷ đồng, cao nhất trong giới điều hành của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.

Kết quả kinh doanh Masan vào năm 2020 - năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã xuống thấp nhất từ năm 2012, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 1.234 tỷ đồng. Sau đó năm 2021, doanh nghiệp tăng trưởng mạnh lên 8.563 tỷ đồng. Tới năm 2022, con số này giảm 58% còn 3.567 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, vị tỷ phú có khối tài sản 1,8 tỷ USD, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, nhận thù lao 0 đồng trong năm 2022. Các thành viên khác trong HĐQT tập đoàn cũng nhận mức tương tự.

2022 là năm đầu tiên ông Long và các thành viên HĐQT không nhận thù lao dù Nghị quyết ĐHĐCĐ có thông qua quỹ thù lao cho HĐQT là 1% lợi nhuận sau thuế. Trước đó năm 2021, thù lao của HĐQT gần 118 tỷ đồng. Các năm 2019-2020, thù lao của HĐQT lần lượt là 25-27 tỷ đồng.

Năm HĐQT Hòa Phát không nhận thù lao là một năm biến động với đầy rẫy khó khăn với tập đoàn và đã được ông Long đưa ra dự báo sớm về một chu kỳ suy thoái chung của ngành thép. Thực tế đã diễn biến đúng, 2 quý cuối năm, tập đoàn lỗ tổng cộng gần 3.800 tỷ đồng, điều mà lần đầu tiên xảy ra. Kết quả kinh doanh cả năm, Hòa Phát lãi 8.444 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 34% kế hoạch năm. Con số này cũng giảm mạnh so với mức lợi nhuận kỷ lục năm 2021 là 34.475 tỷ đồng.

Năm 2023, Chủ tịch Hòa Phát dự báo thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua đi. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng, tương đương năm trước. Dự kiến thù lao HĐQT được trích tối đa 1% lợi nhuận sau thuế. Mức thù lao cụ thể sẽ do HĐQT quyết định. Do đó, có thể nếu Hòa Phát đạt được mục tiêu đề ra, HĐQT có thể quay trở lại nhận thù lao như thời kỳ năm 2021 trở về trước.

Thù lao tiền tỷ

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Techcombank (mã chứng khoán: TCB) không nêu chi tiết về thù lao từng thành viên HĐQT. Do đó, thù lao ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT, một trong 6 tỷ phú của Việt Nam không được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên theo công bố, thu nhập của ông Hồ Hùng Anh, các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát năm 2022 được nhận 36,9 tỷ đồng, tương đương năm 2021.

Nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air (mã chứng khoán: VJC) có giá trị tài sản 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1.368 trên thế giới. Hiện tại, Vietjet chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán nên chưa có số liệu thù lao cả năm 2022 của bà Phương Thảo. Theo số liệu qua các quý II, III, IV/2022 thống kê trung bình thù lao HĐQT và lương ban tổng giám đốc, dự tính bà Thảo nhận tổng cộng khoảng 2,2 tỷ đồng cho 2 vị trí chức vụ. Đại diện Vietjet Air từng cho biết toàn bộ thù lao của bà Thảo được chuyển cho các hoạt động từ thiện.

Không nhận thù lao thì được gì?

Không riêng gì các tỷ phú của Việt Nam, nhiều tỷ phú khác trên thế giới cũng nhận mức thù lao tượng trưng. Nhiều gương mặt nổi bật nhận lương 1 USD như Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc Tesla Elon Musk, nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs...

Một điều dễ thấy là ngoài thù lao, các tỷ phú đều có thể gia tăng thu nhập nhờ được hưởng các quyền như chọn mua cổ phiếu, hưởng cổ tức hoặc các khoản thưởng liên quan đến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh. Do đó, thù lao không phải thu nhập duy nhất để gia tăng tài sản.

Các tỷ phú Việt làm không công - 2

Bên cạnh thù lao thì quyền lợi phát sinh từ cổ tức hay cổ phiếu thưởng cũng là thứ để các ông bà chủ doanh nghiệp gia tăng thu nhập (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, có nhiều thời điểm, doanh nghiệp không thực hiện các quyền kể trên và các tỷ phú thực chất không được nhận quyền lợi gì. Năm 2021, Vingroup không chia cổ tức. Toàn bộ lợi nhuận được giữ lại để sản xuất kinh doanh. Năm 2022, doanh nghiệp này có kế hoạch tiếp tục phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 0,2% vốn điều lệ, thực hiện chậm nhất vào tháng 3/2023 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng, với tư cách cổ đông lớn và là lãnh đạo doanh nghiệp, trong 2 năm qua không có quyền lợi phát sinh từ cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng, cũng không có khoản thưởng từ vượt kế hoạch kinh doanh.

Hay trong năm 2022, Hòa Phát chọn không chia cổ tức dù năm trước chia tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu. Như vậy, ông Trần Đình Long cũng như ông Phạm Nhật Vượng, không có thu nhập gia tăng nhờ các quyền từ cổ đông lớn.

Vậy các tỷ phú được gì khi không nhận thù lao? Ngoài những quyền lợi có thể phát sinh đã kể trên, mà thực tế có thể không được hưởng trong trường hợp đặc biệt, các tỷ phú đều là lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời làm cổ đông lớn. Việc "một lòng một dạ" điều hành, dẫn dắt công ty phát triển hiệu quả chính là những giá trị lợi ích lâu dài, bền vững, khó đo đếm được bằng con số.