1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lối đi riêng của các tỷ phú Việt

Kim Ngọc

(Dân trí) - Người giàu thường có lối đi riêng. Với các tỷ phú của Việt Nam, sở hữu khối tài sản cả tỷ USD, lối đi riêng của họ càng khiến công chúng tò mò.

Những tư tưởng lớn

Người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có tài sản ước tính 4,3 tỷ USD, lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới. Nhắc tới ông Vượng hay Vingroup thời điểm này là những từ khóa "hot" như "mãi mãi tinh thần khởi nghiệp", "xe điện VinFast sẽ chất lượng như Tesla"…

Nhiều lần, ông Phạm Nhật Vượng nhắc tới sứ mệnh "vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người". Trong hàng chục năm qua, Vingroup xây các khu đô thị đẹp, hiện đại, đáng sống góp phần thay đổi bộ mặt các đô thị Việt Nam, tham gia vào các mảng dịch vụ để cùng thúc đẩy tạo ra các tiêu chuẩn sống cao hơn. Một vài năm gần đây, tâm điểm của doanh nghiệp này được chuyển qua câu chuyện về xe VinFast. Chủ tịch tập đoàn muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp thế giới, tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.

Điều này có thể là "không tưởng", khi người Việt Nam ở nước ngoài đôi khi còn tự nhận mình là người Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng với ông Vượng, "nếu không tưởng thì chúng tôi sẽ không làm".

Nói về tương lai 5-10 năm nữa, vị tỷ phú USD nghĩ lúc đó Vingroup sẽ là một tập đoàn công nghệ, công nghiệp có tiếng trên thế giới. Mảng thương mại dịch vụ và thiện nguyện ở Việt Nam sẽ được người Việt Nam yêu quý, đánh giá cao.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), một tỷ phú USD khác với tài sản 1,8 tỷ USD, lại có những mục tiêu mang tính thời điểm. Có hơn 30 năm phát triển thì tới 20 năm Hòa Phát gắn liền với xuất khẩu và sản xuất thép. Ông Long từng đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành tập đoàn sản xuất thép có thứ hạng đến năm 2030, lọt top 50 công ty thép lớn nhất trên thế giới.

Theo đuổi chiến lược đa ngành, Hòa Phát còn muốn tìm chỗ đứng cho mình ở một số lĩnh vực mới, như bất động sản hay đồ gia dụng. Với bất động sản, ông Long đánh giá ngành này rất phù hợp với những nước công nghiệp hóa mới như Việt Nam khi nhu cầu xây dựng lớn, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh. Do đó, ông Long đặt mục tiêu Hòa Phát lọt top 3 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, doanh thu từ mảng này đứng thứ 2 sau thép.

Lối đi riêng của các tỷ phú Việt - 1

6 tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes (Ảnh: Tài Chính Tiền Tệ).

Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu sản xuất đồ điện gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị cho gia đình lớn nhất Việt Nam. Từ quý IV/2021, công ty quyết định thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát, đầu tư lớn vào ngành hàng điện máy gia dụng.

Đối với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú trẻ tự thân đầu tiên của Đông Nam Á, sở hữu khối tài sản 2,2 tỷ USD, tham vọng của bà gắn liền với "giấc mơ bay" cho hàng chục triệu người khắp trong và ngoài nước, mang tới cuộc cách mạng trong ngành hàng không Việt Nam.

Bà Thảo là người sáng lập, đồng thời làm Tổng giám đốc hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam - Vietjet Air. Ban đầu, hãng lên kế hoạch sẽ định hình là hãng hàng không 5 sao, sau đó trong một lần đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao Tây Bắc, một bà mẹ già đã hỏi đội ngũ lãnh đạo của Vietjet Air: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành? Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay".

Điều đó là động lực khiến ban lãnh đạo Vietjet Air nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ. Vì vậy, bà Thảo tham vọng hướng Vietjet phục vụ những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê.

Với ông Trần Bá Dương, vị tỷ phú sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD, ông muốn xây dựng Thaco thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hướng đến phát triển bền vững. Hiện tại, tập đoàn có 6 tập đoàn thành viên ở 6 lĩnh vực: ô tô; cơ khí & công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp; logistics; đầu tư & xây dựng và thương mại & dịch vụ.

Từng con số "biết nói"

Tham vọng xây dựng thương hiệu xe điện VinFast lừng lẫy ở nước ngoài của ông Vượng đang dần biến những điều "không tưởng" thành sự thật.

Cuối năm 2022, VinFast đã xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện thông minh VinFast VF8 đầu tiên sang Mỹ. Công ty đang chuẩn bị bàn giao các mẫu xe VF 9 và VF 5 Plus khác cho khách hàng tại Việt Nam, tiếp tục xuất khẩu những lô xe khác ra thị trường quốc tế. VinFast cũng mở thêm nhà máy diện tích khoảng 800 ha tại Mỹ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2 tỷ USD. Trước đó từ tháng 7/2021, VinFast đã có mặt tại 5 thị trường ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Để hiện thực hóa "giấc mơ Việt", doanh nghiệp này còn công bố nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) từ cuối năm 2022. Sau IPO, VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS. Nếu thành sự thật, VinFast là doanh nghiệp đầu tiên IPO và niêm yết thành công trên sàn quốc tế.

Mặc dù đang đẩy mạnh việc mở rộng độ phủ ở nước ngoài cũng như niêm yết, nhưng 3 năm gần đây, VinFast đều lỗ. Theo báo cáo niêm yết tại Mỹ, VinFast lỗ 49.849 tỷ đồng trong năm 2022 do giá vốn cao, chi phí nghiên cứu và phát triển tăng đột biến.

Đối với Hòa Phát, "chiếc xe lu" gắn liền với tên tuổi ông Trần Đình Long và các công sự "chưa bao giờ dừng lại". Tập đoàn đã cơ cấu lại hoạt động để có 5 lĩnh vực: gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - sản phẩm thép (gồm ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - nông nghiệp - bất động sản - điện máy gia dụng.

Với thép, trong hơn 20 năm tham gia ngành, quy mô, năng lực sản xuất của tập đoàn đã gấp 28 lần, trở thành nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam. Từ mục tiêu trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới từ năm 2030, tập đoàn đã rút xuống 5 năm, tức năm 2025. Doanh thu thép chiếm 94% trong cơ cấu tập đoàn năm 2022, đạt khoảng 134.000 tỷ đồng.

Với bất động sản, tập đoàn có nhiều dự án khu công nghiệp và khu đô thị. Trong đó, mảng khu công nghiệp (KCN) ghi dấu ấn với các dự án đang khai thác như KCN Phố Nối A (600 ha), KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1; 97,5ha) - Hưng Yên; KCN Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha)... Các khu công nghiệp Hòa Phát đạt tỷ lệ lấp đầy gần như toàn bộ diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Kế hoạch trong 10 năm tới, Hòa Phát sẽ phát triển 10 KCN bao gồm cả các KCN đang có. Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích 300-500ha.

Với Vietjet Air, sau 10 năm kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên, hãng hàng không này đã chuyên chở trên 110 triệu lượt hành khách, phát triển đường bay rộng khắp cả nước, khu vực và quốc tế (trên 140 đường bay). Có những thời điểm, Vietjet là hãng hàng không có thị phần nội địa cao nhất cả nước, đạt 46%, duy trì trong năm 2019 với mức 45,4% do có sự gia nhập của hãng hàng không Bamboo Airways.

Một số tỷ phú USD như ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) thường ít xuất hiện để chia sẻ về những hoài bão, tham vọng. Tuy nhiên, các chỉ số tài chính hay định hướng kinh doanh của doanh nghiệp mà họ làm chủ đều thể hiện những tầm vóc đáng nể.

Năm 2023, Thaco bước vào giai đoạn phát triển mới là tập đoàn công nghiệp đa ngành. Với Thaco Auto, công ty đặt mục tiêu doanh số trên 120.000 xe, doanh thu trên 90.000 tỷ đồng. Với mảng nông nghiệp (Thaco Agri), công ty phát triển diện tích trồng chuối 14.000 ha, phát triển quy mô đàn bò hơn 100.00 con và 215.000 con heo; doanh thu ước tính 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, công ty sẽ khởi công 24 dự án thương mại, hạ tầng và hoàn thành bàn giao 3 dự án.

Masan đưa kế hoạch doanh thu năm nay khoảng 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng 18-31% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận dao động khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Công ty định hướng mở rộng thêm 800-1.200 cửa hàng Winmart+, 75-90 cửa hàng Phúc Long... Masan dần như đang tiến tới mục tiêu "bán mọi thứ" với hàng chục công ty con và công ty liên kết, trải dài trên mọi lĩnh vực, từ khai thác khoáng sản đến hàng tiêu dùng, đồ uống, bán lẻ...