Các sếp cũng phải “choáng” với mức thưởng “sốc” tại Dược Hà Tây
(Dân trí) - Với doanh thu tăng hơn 7% và lợi nhuận tăng trên 12% trong năm 2018, Dược Hà Tây dự tính phát hành toàn bộ số cổ phiếu thưởng cán bộ công nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cho duy nhất một người chính là tổng giám đốc.
Sau khi trải qua đợt giao dịch đầy khó khăn trong phiên sáng, VN-Index tiếp tục giằng co trong phiên chiều và đóng cửa phiên 14/3 tại mức 1008,44 điểm, ghi nhận tăng thêm 3,03 điểm tương ứng 0,3%. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,2 điểm tương ứng 0,18% lên 110,02 điểm.
Số lượng mã tăng trên toàn thị trường đã gia tăng đáng kể so với phiên sáng, đạt 371 mã, 59 mã tăng trần trong khi số mã giảm là 277 mã và 30 mã giảm sàn.
Thanh khoản thị trường vẫn đạt tốt tuy có sụt giảm so với phiên trước, đạt 224,54 triệu cổ phiếu tương ứng 4.821,26 tỷ đồng trên HSX và 39,61 triệu cổ phiếu tương ứng 425,64 tỷ đồng trên HNX.
Tại phiên này, VCB và VIC đang là hai mã có tác động tích cực nhất đến diễn biến của chỉ số. Với mức tăng 1.800 đồng mỗi cổ phiếu, VCB đóng góp vào mức tăng chung của VN-Index tới 2,03 điểm; trong khi đó VIC tăng 1.300 đồng cũng góp vào 1,26 điểm cho chỉ số.
ITA tiếp tục giữ mức tăng trần đến hết phiên với thị giá 3.130 đồng/cổ phiếu, trắng bên bán và dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch tại mã này lên tới 11,7 triệu cổ phiếu, dẫn đầu toàn thị trường. Tương tự, GTN vẫn tăng trần và có dư mua giá trần 294 nghìn cổ phiếu, khớp lệnh hơn 1,1 triệu đơn vị và trắng bên bán.
Ở chiều ngược lại, VJC mất 1.400 đồng còn 118.400 đồng/cổ phiếu và khiến VN-Index bị sụt giảm khoảng 0,23 điểm. Ngoài ra, VNM, SAB, TCB, PLX… đỏ điểm cũng tác động tiêu cực đến chỉ số sàn HSX.
Trên HNX, cổ phiếu DHT của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây tăng 0,25% lên 39.600 đồng. Tuy vậy, diễn biến này chỉ thu hẹp mức giảm tại DHT còn gần 3,9% trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua.
Dược Hà Tây vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, trong đó trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019 khiến không ít người cảm thấy “choáng”.
Theo đó, năm 2018, công ty này vượt kế hoạch ở hầu hết chỉ tiêu với mức doanh thu, lợi nhuận, nhập khẩu ủy thác ở mức cao. Trong đó, doanh thu năm vừa qua của Dược Hà Tây tăng 7,3% so với năm 2017, đạt 1.674 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 12,2%, đạt gần 102 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 9,73 triệu đồng/người/tháng.
Trên cơ sở đó, Dược Hà Tây dự trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10:01 và phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng cổ phiếu phát hành là 398.500 cổ phiếu.
Theo tờ trình, toàn bộ 398.500 cổ phiếu ESOP này sẽ được phát hành cho Tổng giám đốc Lê Xuân Thắng và đáng nói là cổ phiếu này được tự do chuyển nhượng. Tổng giá trị dự kiến phát hành ước tính chưa tới 4 tỷ đồng theo mệnh giá.
Tính theo mức thị giá của cổ phiếu DHT kết thúc phiên 14/3/2019 là 39.600 đồng thì giá trị của số cổ phần này lên đến gần 16 tỷ đồng. Đây quả là một phần thưởng không hề nhỏ dành cho CEO một doanh nghiệp.
Trên sổ sách, khoản trích thưởng bằng cổ phiếu cho TGĐ Lê Xuân Thắng có giá trị gần 4 tỷ đồng
Ông Lê Xuân Thắng đang sở hữu 1.576.845 cổ phiếu DHT, chiếm tỷ lệ 8,37% vốn điều lệ Dược Hà Tây. Trong ngày hôm qua, con gái ông Thắng là Lê Phương Thảo đã công bố thông tin đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu DHT. Dự tính Lê Phương Thảo sẽ phải chi xấp xỉ 20 tỷ đồng cho thương vụ nói trên.
Trước khi giao dịch, con gái ông Thắng cũng đã sở hữu 500.000 cổ phiếu này chiếm 2,65% vốn điều lệ Dược Hà Tây. Giao dịch dự kiến được thực hiện bằng cả phương thức thoả thuận và khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 15/3 đến 12/4/2019.
Mai Chi