Các ông lớn Phát Đạt, DIC Group nói gì sau khi cổ phiếu giảm sàn liên tục?

Việt Đức

(Dân trí) - 2 doanh nghiệp Phát Đạt, DIC Group cho rằng những biến động vĩ mô, tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Trước việc cổ phiếu giảm sàn liên tục từ ngày 4/11, nhận được đề nghị của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố thông tin có liên quan ảnh hưởng đến biến động giá, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cho biết doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Phát Đạt khẳng định hiệu quả kinh doanh 9 tháng vẫn tăng trưởng, không có biến động xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, việc giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. 

"Cổ phiếu PDR được niêm yết và giao dịch minh bạch trên sàn HoSE, giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như các tác động của chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp chúng tôi đang kinh doanh", đại diện chủ đầu tư này thông tin.

Từ phiên 19/10 đến nay, cổ phiếu PDR giảm mạnh. Trong đó, từ ngày 4/11, cổ phiếu PDR giảm sàn. Thanh khoản của mã này cũng suy giảm với mức bình quân 100.000-300.000 đơn vị khớp lệnh/phiên trong khi khối lượng giao dịch trước đó thường xuyên ở mức vài triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Các ông lớn Phát Đạt, DIC Group nói gì sau khi cổ phiếu giảm sàn liên tục? - 1

Cổ phiếu PDR lao dốc từ đầu tháng 11 (Ảnh: Tradingview).

Với mức giá 26.200 đồng/cổ phiếu, thị giá PDR đã bốc hơi gần 50% trong một tháng qua. Tính từ đầu năm, giá trị vốn hóa của Phát Đạt đã sụt giảm gần 60%, hiện chỉ còn hơn 17.500 tỷ đồng, tương đương với thời điểm tháng 12/2020. Doanh nghiệp này cũng văng khỏi câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD trên sàn.

Tương tự, một cổ phiếu bất động sản khác cũng liên tục "lau sàn" là DIG của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group) cũng nhận được đề nghị công bố thông tin ảnh hưởng đến biến động giá từ HoSE. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết cổ phiếu DIG sụt giảm do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. 

Giải thích cụ thể hơn, DIC Group đánh giá bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn. Ở trong nước, thị trường vốn suy giảm, giới hạn room tín dụng đã được các ngân hàng thương mại sử dụng hết, lãi suất tăng cao với tốc độ nhanh, tỷ giá có xu hướng tăng, các chính sách liên quan chưa được tháo gỡ dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Group. 

"Giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động", đại diện doanh nghiệp nhìn nhận.

Các ông lớn Phát Đạt, DIC Group nói gì sau khi cổ phiếu giảm sàn liên tục? - 2

Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong 6 tháng qua (Ảnh: Tradingview).

DIC Group cho biết ngoài việc tiếp tục nỗ lực hoạt động, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, càng chậm trễ thì sự hồi phục của thị trường, doanh nghiệp càng khó khăn, phức tạp.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DIG sau chuỗi nằm sàn liên tục từ phiên 4/11 hiện chỉ còn giao dịch ở mức giá 11.650 đồng. Trong một tháng gần nhất, cổ phiếu này mất giá hơn 50%. Còn tính từ đầu năm, giá trị của tập đoàn bất động sản này đã bị thổi bay gần 90%. Từ doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD, vốn hóa của DIC Group hiện chỉ còn hơn 7.000 tỷ đồng (khoảng 300 triệu USD).

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành bất động sản là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) cũng chứng kiến cổ phiếu giảm sàn 7 phiên liên tục. Trong thông tin gửi đến HoSE, đại diện doanh nghiệp thông tin ngắn gọn giá cổ phiếu giảm do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.