Các ông chủ ở Anh sợ lao động người châu Âu bỏ việc

(Dân trí) - Hơn 25% các ông chủ ở Anh, nói rằng người lao động đến từ các nước Liên minh châu Âu đã cân nhắc việc rời bỏ công ty hoặc thành phố mà họ đang sinh sống trong năm 2017 sau khi người dân Anh bỏ phiếu tán thành Brexit năm ngoái.


Công nhân đi bộ trong mưa tại trung tâm thương mại tài chính Canary Wharf, London. (Nguồn: Eddie Keogh)

Công nhân đi bộ trong mưa tại trung tâm thương mại tài chính Canary Wharf, London. (Nguồn: Eddie Keogh)

Theo kết quả khảo sát hơn 1.000 công ty được thực hiện bởi Viện Nhân sự và Phát triển Anh, thậm chí tỷ lệ này lên đến 43% đối với những người tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực giáo dục và 49% đối với các nhà tuyển dụng lao động ngành y tế.

Viện Nhân sự và Phát triển Anh cũng cho biết, thị trường lao động của nước Anh vẫn mạnh, nhưng quyết định của những cử tri rời khỏi Liên minh châu Âu có khả năng sẽ buộc các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chiến lược đào tạo của họ khi điều chỉnh để có ít nhân viên người châu Âu hơn trong tương lai.

Thủ tướng Anh bà Theresa May đã hứa sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập cư khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2019, thậm chí ngay cả khi Anh bị mất các đặc quyền ở thị trường của EU.

Viện này cũng cho biết, những số liệu chính thức gần đây cho thấy các công ty sử dụng nhiều lao động nhập cư EU là các công ty bán lẻ và bán buôn, công ty sản xuất chế tạo, y tế và các công ty cung cấp dịch vụ, chiếm khoảng 45% vị trí tuyển dụng vào cuối năm 2016.

Gerwyn Davies, cố vấn thị trường lao động của Viện này cho rằng, các số liệu chính thức cho thấy số lượng công dân không phải người Anh hay người châu Âu đang làm việc tại Anh đã tăng trưởng chậm hơn so với trước Brexit.

"Điều này đang tạo ra những thách thức tuyển dụng nhân sự quan trọng trong các lĩnh vực mà người lao động không phải người gốc Anh đóng vai trò quan trọng, những người đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các thay đổi về chính sách nhập cư trong tương lai của EU", ông nói.

Thêm nữa, các dấu hiệu của tình trạng thiếu lao động nhập cư xuất hiện vào năm ngoái trong lĩnh vực nông nghiệp của nước Anh, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6, điều này cũng đã khiến đồng bảng Anh bị rớt giá lúc đó.

Hồng Vân
Theo Channel News Asia