1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các ông chủ lựa chọn ngân hàng, doanh nghiệp để cho ai?

(Dân trí) - Ông Đỗ Minh Phú, bà Thái Hương, ông Đỗ Quang Hiển, ông Dương Công Minh... đã lên tiếng lựa chọn ở lại "ghế nóng" ngân hàng thay vì doanh nghiệp kể từ ngày 15/1 tới.

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, doanh nhân không được đồng sở hữu (hoặc sở hữu chéo) vừa là chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp vừa là chủ tịch HĐQT của một ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, một số ông chủ đã khẳng định lựa chọn chèo lái ngân hàng thay vì làm chủ tịch HĐQT doanh nghiệp của họ.

Chia sẻ trước đông đảo cán bộ công nhân viên tại buổi Toạ đàm Top Leader Talk sáng 23/12/2017, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cho biết sẽ chọn làm Chủ tịch HĐQT của TPBank thay vì làm Chủ tịch của DOJI.

Theo ông Phú, DOJI là đơn vị được thành lập lâu hơn, tuổi đời hàng chục năm, còn TPBank hiện mới chỉ có tuổi đời khoảng 10 năm. Do đó, TPBank cần ông chèo lái con thuyền hơn DOJI và TPBank cũng cần mình hơn. Còn đối với DOJI, dù là người sáng lập và đứng đầu tập đoàn vàng bạc lớn này nhưng ông Phú đã có những đội ngũ kế cận đủ để gánh vác và phát triển công ty này.

Tuy nhiên, việc ông Phú thôi chức Chủ tịch DOJI để ngồi một ghế Chủ tịch của TPBank sẽ được thực hiện trong thời gian tổ chức đại hội cổ đông vào khoảng tháng 4/2018, bởi dù luật có hiệu lực từ tháng 1 tới nhưng vẫn cho phép các ông chủ doanh nghiệp được kiêm nghiệm chức năng đến hết nhiệm kỳ khi tổ chức đại hội cổ đông theo quy định.

Tại DOJI, ông Phú được xem là kiến trúc sư trưởng, người chèo lái công ty trong suốt nhiều năm qua. Do đó, sau khi rời ghế Chủ tịch DOJI, rất có thể ông sẽ đứng sau cố vấn cho công ty. Ông Phú khẳng định: "Con người ta có thể thay nhiều bộ trang phục khác nhau nhưng chiếc áo lót thì luôn luôn ở bên họ".


Trong các ông, bà chủ ngân hàng kiêm doanh nghiệp, ai sẽ ở lại, ai ra đi? (ảnh: Tiền Phong).

Trong các ông, bà chủ ngân hàng kiêm doanh nghiệp, ai sẽ ở lại, ai ra đi? (ảnh: Tiền Phong).

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc của Ngân hàng Bắc Á, cũng vừa quyết định không đứng tên tại TH để làm CEO của BacA Bank - một ngân hàng nhỏ trong hệ thống và vừa mới lên sàn UpCOM trong ngày 28/12/2017.

"Ông trùm” bất động sản Dương Công Minh cũng đã sẵn sàng ở lại vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Thương Tín Sài Gòn (Sacombank) thay cho một lựa chọn khác. Tuy nhiên, do Sacombank mới tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2017-2011 cho nên có thể thấy ông Minh vẫn còn dư địa tới vài năm nữa.

Chia sẻ với báo giới, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T cho biết: Ông sẽ thôi chức ở Tập đoàn T&T và ở lại SHB.

"Với các doanh nghiệp như T&T, thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc nhưng tôi không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Có thời gian tôi dành toàn bộ ngồi ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn ổn", ông Hiển chia sẻ.

Bởi theo vị Chủ tịch SHB, một nhà quản trị giỏi là phải xây dựng được một hệ thống và các cấp quản lý ổn, chạy trơn tru ngay cả khi không có mặt mình...

Đánh giá về động thái của các "ông chủ" ngân hàng, giới chuyên cho cho rằng, đây là hành động khôn ngoan bởi "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", làm chủ ngân hàng vẫn hơn làm chủ doanh nghiệp. Do đó, khi luật có hiệu lực, thị trường sẽ chứng kiến một loạt thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của ngân hàng khi các sếp ngân hàng sẽ buộc phải "hy sinh" một trong hai chức vụ quan trọng.

Theo một thống kê sơ bộ, trong giới ngân hàng hiện nay, nhiều sếp ngân hàng đang đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ở các doanh nghiệp. Hiện tại vẫn còn nhiều "ông, bà chủ" chưa lên tiếng như: Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings; Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch của BRG Group, đồng thời là chủ tịch/thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam.

Ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT NamABank đang giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu. Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam.

Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietABank kiêm nhiệm Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Phương. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng kiêm nhiệm thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long.

Hay như ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Kiên Long Bank là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group; bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch của HDBank cũng là chủ tịch của Vinamilk...

Nguyễn Hiền

Các ông chủ lựa chọn ngân hàng, doanh nghiệp để cho ai? - 2