Các ngân hàng sẽ buộc phải tăng lãi suất?
(Dân trí) - Theo nhận định của HSC, với tăng trưởng tín dụng mạnh hơn thì việc tăng trưởng cung tiền chậm dần gây ra sự khan hiếm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng; theo đó buộc lòng các ngân hàng sẽ phải dần tăng lãi suất và mục tiêu giảm lãi suất mà NHNN đề ra là khó khăn.
Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, tổ chức này đã thực hiện khảo sát lãi suất cho vay liên ngân hàng và lãi suất huy động. Theo đó lãi suất huy động bình quân tăng 0,04% lên 5,83% vào cuối tháng 9 từ 5,79% vào cuối tháng 8. So với đầu năm lãi suất huy động bình quân đã giảm 0,21% và đã có lúc giảm 0,35% xuống 5,69%.
Trong tháng 9, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong khi một số ngân hàng khác vẫn giảm. Chẳng hạn, Sacombank, PVCombank và Ngân hàng Liên Việt đã đồng loạt tăng lãi suất từ 0,1-0,5%. Trong khi đó Ngân hàng An Bình, HDBank, MBBank, Maritime Bank và VIB tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (từ 1 đến 12 tháng) thêm 0,1-0,65%. SeABank, VietinBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,1% trong khi SCB tăng 0,2% lãi suất huy động kỳ hạn 6-36 tháng. OCB cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài thêm 0,2%.
Trái lại, BIDV và SHB đồng loạt giảm lãi suất huy động 0,1-0,5%. VietinBank và Vietcombank giảm lãi suất huy động không kỳ hạn 0,2-0,3%. OCB, Ocean Bank và SeABank giảm 0,05-0,4% lãi suất kỳ hạn ngắn.
Cũng theo khảo sát của HSC, việc trần lãi suất huy động USD giảm về 0,25% đã ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường.
Trong khảo sát của mình, HSC cũng cho biết, lãi suất cho vay bình quân tiền đồng tăng lên 9,57% vào tháng 9. Lãi suất cho vay đã giảm 0,48% so với đầu năm (vào tháng 4 lãi suất cho vay còn giảm xuống mức thấp là 9,52%).
Hầu hết các ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay trong tháng và chỉ có một số ngân hàng điều chỉnh nhẹ. Chẳng hạn Techcombank tăng lãi suất cho vay thêm 1,16% đối với các khoản vay trung dài hạn. Trong khi đó lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn được Techcombank và Eximbank lần lượt điều chỉnh giảm là 0,29% và 0,4%.
Theo nhận định của HSC, xu hướng lãi suất đã thiên về tăng trong thời gian qua theo xu hướng thế giới cho dù tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng so với cùng kỳ vẫn dưới 1%.
“Ngoài lãi suất quốc tế và lợi suất trái phiếu, thì một nhân tố ảnh hưởng là cung tiền trong nước trong những tháng gần đây tăng với tốc độ 17% so với cùng kỳ; giảm từ mức 18% trong 2014. Cộng với tăng trưởng tín dụng mạnh hơn thì điều này dần gây ra sự khan hiếm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng; theo đó buộc lòng các ngân hàng sẽ phải dần tăng lãi suất” – theo HSC.
Đáng chú ý là các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như BIDV và Vietcombank (là những ngân hàng có vai trò định hướng lãi suất kỳ hạn ngắn) lại giảm lãi suất trong tháng 9. Tuy nhiên, các NHTMCP lại không làm theo; cho thấy định hướng của NHNN là giảm lãi suất hiện đã gặp phải một số trở lực từ thị trường.
HSC cho rằng, điều này là dễ hiểu vì hiện trong chính sách của NHNN đang có những khuynh hướng đi ngược nhau là trong khi muốn giảm lãi suất huy động thì đồng thời NHNN lại giảm cung tiền và định hướng đẩy mạnh tín dụng.
“Và rồi cuối cùng sẽ phải đến một kết quả nào đó và trong trường hợp này chúng tôi cho rằng kết quả đem đến là đến cuối năm lãi suất sẽ tăng nhẹ” – báo cáo của HSC cho hay.
Bích Diệp