Các ngân hàng đồng loạt áp trần lãi suất 12%/năm

Được sự đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng, bắt đầu từ ngày 30/4, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đồng loạt nâng mức lãi suất huy động tiền VND trên 6 tháng là 12%/năm.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIBBank) cho biết: VIBBank đã thực hiện điều chỉnh lãi suất theo các mức đã thỏa thuận. Cụ thể, mức lãi suất từ 9 - 12 tháng là 12%, từ 1-6 tháng là 11,5%, còn mức lãi suất huy động tiền USD vẫn giữ nguyên là 6%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - SacomBank cũng thông báo áp dụng mức lãi suất 12% cho kỳ hạn từ 6-12 tháng, dưới 6 tháng là 11,5% và trên 13 tháng là 11,5%. Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank, từ 7-36 tháng là 12%, từ 36 tháng trở lên là 11,5%, dưới 6 tháng là 11,4%.

Đáng chú ý, nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, giúp khách hàng linh hoạt trong việc sử dụng vốn, Ngân hàng ngoài quốc doanh (VPBank) áp dụng hình thức lãi suất bậc thang cho khoản tiền gửi không kỳ hạn bằng VND của khách hàng, tức là số tiền gửi càng lớn lãi suất càng cao.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, việc tăng lãi suất huy động tại thời điểm này là hợp lý, vì trước thời điểm này đã có nhiều ngân hàng rục rịch tăng, nhất là những chi nhánh ngân hàng ở các vùng xa.

Một vấn đề hiện nay đặt ra là liệu lần này khi lãi huy động tăng 12%/năm trở lại có tạo ra cơn sốt gửi tiền và rút tiền ồ ạt từ các ngân hàng nhà nước sang gửi tại ngân hàng cổ phần như hồi tháng 2 không? Đại diện Ngân hàng Đông Á cho rằng, lần tăng lãi huy động mới này chủ yếu là để các ngân hàng giữ chân khách hàng cũ đang muốn rút tiền đi.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, sẽ xem xét tăng lãi suất huy động lên ngay để tránh tình trạng người dân theo tâm lý đám đông đi rút tiền gửi sang ngân hàng cổ phần hưởng lãi chênh lệch.

Theo TTXVN