Các mã ngân hàng "đỏ sàn" phiên đầu tuần
(Dân trí) - Khởi đầu tuần làm việc mới, chỉ số trên cả hai sàn đều giảm điểm. HNX-Index thiết lập mức thấp nhất lịch sử, phá vỡ kỷ lục tạo lập hôm 20/9, xuống còn 54,61 điểm. Các mã ngân hàng "đỏ sàn".
Sau những thông tin tốt - xấu xen lẫn nhau, hai sàn đóng cửa phiên sáng trong ngày khởi đầu tuần không mấy khả quan. VN-Index vẫn duy trì dưới mốc 400, mất 4,22 điểm, tương ứng giảm 1,07% xuống còn 388,35 điểm.
Trong khi đó trên sàn Hà Nội, HNX-Index đánh mất mốc 55, giảm 0,86 điểm còn 54,61 điểm - xuyên thủng mức đáy vừa thiết lập cách đây không lâu (54,62 điểm) hôm 20/9.
Thanh khoản hai sàn đạt thấp, khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 14,7 triệu đơn vị, tương ứng 189,6 tỷ đồng, sàn Hà Nội có 11,4 triệu đơn vị giao dịch, đạt vỏn vẹn 89,7 tỷ đồng.
Trong khi HoSE có 148 mã giảm, 50 mã giảm sàn thì số mã giảm ở sàn Hà Nội cũng áp đảo mã tăng, với 135 mã giảm, 54 mã giảm sàn. Số mã "đứng yên" lên tới 341 mã trên cả hai sàn. Rổ VN30 duy nhất 1 mã tăng trần, còn lại tới 25 mã giảm, 2 mã giảm sàn và có 4 mã đứng giá tham chiếu.
ACB sau thông tin ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng cùng 3 nguyên lãnh đạo khác bị khởi tố hôm 27/9, tiếp tục giảm điểm xuống còn 16.100 đồng/cp, mất 400 đồng. Khối lượng giao dịch phiên sáng nay chỉ đạt 541 nghìn đơn vị. Tuy nhiên, ở phương thức thỏa thuận, cổ phiếu này vẫn được giao dịch với giá trị lớn nhất trên sàn Hà Nội, giá trị gần 10 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, với việc có tới 8 ngân hàng thương mại bị Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm, tiếp tục đỏ sàn. Cổ phiếu SHB, CTG của Vietinbank, MBB của NH Quân đội, STB của Sacombank, VCB của Vietcombank đều mất điểm. EIB của Eximbank may mắn hơn, cầm cự được ở mức giá tham chiếu.
Với việc thay đổi CEO, ông Trương Đình Anh "ra đi", để lại chiếc ghế điều hành cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình kiêm nhiệm, cổ phiếu FPT mất điểm phiên thứ 2, xuống còn 37.000 đồng, giảm 900 đồng/cp.
BVH không còn đóng vai trò trụ cột của sàn như những phiên trước đó nữa, bất ngờ giảm sàn, mất 1.600 đồng/cp, xuống còn 30.800 đồng. Giao dịch khớp lệnh chưa tới 300 nghìn đơn vị.
HPG của Hòa Phát phiên này tăng trần lên 20.200 đồng, tuy nhiên, khớp lệnh vẫn nhỏ giọt tương tự các mã khác. Hiện tại, Hòa Phát vẫn đang chờ thông tin từ phía cơ quan chức năng, có thẩm quyền làm rõ vụ giao dịch nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần trị giá 264 tỷ đồng từ phía CTCP Đầu tư ACB Hà Nội nhằm tăng sở hữu tại công ty con Thép Hòa Phát. Theo đó, sau khi đã thanh toán (theo thông tin từ Hòa Phát), thì Tập đoàn này mới "vỡ ra" việc số cổ phần trên đã bị công ty của ông Nguyễn Đức Kiên thế chấp ở ACB. Tập đoàn của bầu Long đang đứng trước rủi ro có thể mất hàng trăm tỷ này, tương ứng với 25% lợi nhuận của Hòa Phát trong năm nay.
Sáng nay, HSBC công bố chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam (PMI), theo đó, chỉ số PMI tháng 9 vẫn dưới mốc 50 (so với tháng trước, điều kiện kinh doanh vẫn giảm) mặc dù nếu nhìn vào chỉ số thì đà giảm điểm đã có cải thiện so với những tháng trước: đạt 49,2 điểm so mức 47,9 điểm của tháng 8/2012. Thông tin vĩ mô này có thể sẽ tác động đến phiên giao dịch buổi chiều.
Mai Chi