Các hãng điện tử nước ngoài “chăm sóc” nhà bán lẻ Việt
Từ năm 2015, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO, cuộc chiến bán lẻ sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Nhiều DN nước ngoài “để mắt” tới thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này trong khi các hãng điện tử nổi tiếng cũng đổ xô “chăm sóc” các đại gia bán lẻ.
Bàn về chuyện doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt trong guồng quay mua bán - sáp nhập của thị trường, một chuyên gia kinh tế nhớ lại, ngay từ đầu năm 2009, doanh nghiệp (DN) phân phối 100% vốn nước ngoài đã được phép thành lập tại Việt Nam. Ngay sau đó, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập, nhiều DN nước ngoài đã tìm cách thôn tính DN bán lẻ Việt và cuộc chiến bán lẻ bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa ở Việt Nam đã hình thành thị trường bán lẻ hiện đại với ba “đường đua” chính: đại siêu thị/siêu thị/siêu thị mini – cửa hàng tiện ích. Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện ích.
Nếu tính trên đầu người, mô hình bán lẻ tại VN mới chỉ đáp ứng được 1/5. Theo Bộ Công Thương, kênh bán lẻ hiện đại hiện chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ trong nước, dự báo đến năm 2020, tỉ lệ này sẽ tăng lên 45%. Con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tại Singapore, tỷ lệ này là 90%; Trung Quốc 64%, Indonesia là 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%.
Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn về sức mua với hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. Vì thế, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.
Dư địa để ngành bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng tăng trưởng vẫn còn khá nhiều. Và thực tế, hàng loạt các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã và đang đổ bộ rầm rộ vào Việt Nam.
Kết quả điều tra do Công ty Tư vấn AT Kearney (Mỹ) công bố cho thấy dù Việt Nam ra khỏi tốp 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á (23%), vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%).
VPBS dự phóng, ngành bán lẻ đồ điện tử sẽ đạt mức tăng trưởng 10,2% trong năm 2015 và 7,3% trong năm 2016.
Với thiết bị điện tử tiêu dùng và đồ gia dụng bao gồm các dòng sản phẩm như tivi, thiết bị âm thanh, máy ảnh, tủ lạnh, máy giặt và các đồ gia dụng nhỏ khác (máy hút bụi và nồi cơm điện), VPBS dự phóng, phân khúc này sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định 5% mỗi năm từ năm 2014 đến năm 2019.
Trong bối cảnh hàng loạt các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã và đang đổ bộ rầm rộ vào Việt Nam với tiềm lực lớn về kinh nghiệm, nguồn vốn, hệ thống kho vận, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã xây dựng và thực thi các chiến lược nhằm giữ và giành thị phần.
Thời điểm hiện tại, hai chuỗi bán lẻ đang được chú ý nhất trên thị trường là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG - sàn HOSE) và mảng bán lẻ của Vingroup với hai thương hiệu Vinpro và Vinpro+.
MWG là công ty đứng thứ hai về doanh số trong ngành bán lẻ hàng điện tử di động (thegioididong) và điện tử tiêu dùng (Điện máy Xanh) tại Việt Nam (chỉ sau Nguyễn Kim). Tính đến tháng 7/2015, Công ty có tổng cộng 469 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động (438 cửa hàng thegioididong.com chuyên bán lẻ thiết bị di động và 31 cửa hàng dienmay.com chuyên các mặt hàng điện tử tiêu dùng).
Từ năm 2009 đến năm 2013, MWG có mức tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) đối với doanh thu là 48% và đối với lợi nhuận là 52%. Trong năm 2014, MWG đã ghi nhận mức doanh thu hợp nhất 15.757 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2013; lợi nhuận ròng đạt 674 tỷ đồng, tăng 149%.
Điện Máy Xanh, tân binh của làng điện máy, người anh em của Thế Giới Di Động cũng có tốc độ phát triển, mở rộng các siêu thị cao. Điều này khiến cho các hãng điện tử nổi tiếng đặc biệt quan tâm. Hiện tại, thương hiệu này đang ồ ạt mở ra ở thị trường “đô thị loại 2”, tránh tấn công trực diện vào thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vốn áp lực cạnh tranh đang vô cùng lớn, sức mua có thể coi là bão hòa.
Ngày 10/7 vừa qua, tại buổi lễ khai trương siêu thị thứ 31 tại Cần Thơ, ban lãnh đạo của nhiều hãng sản xuất lớn như Sony, Samsung, Sanyo, Sharp, Panasonic… đã tham dự và theo dõi từng hoạt động của tân binh bán lẻ này.
Chỉ trong 5 năm hoạt động, hệ thống Điện máy Xanh đã liên tục khai trương siêu thị mới. Tính đến ngày 10/7, Điện máy Xanh đã có 31 siêu thị trên toàn quốc tại 19 tỉnh thành cùng với đội ngũ hơn 1300 nhân viên. Mục tiêu từ đây đến cuối năm 2015, Hệ thống siêu thị Điện máy Xanh sẽ đạt 70 siêu thị, vươn lên dẫn đầu là hệ thống bán lẻ điện máy có số lượng siêu thị nhiều nhất Việt Nam, nắm giữ thị phần số 1 và hoàn thành kế hoạch 115 siêu thị đến hết 2016
M.C