1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Các địa phương coi vốn trái phiếu Chính phủ là “của trời cho”

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, bất cập lớn nhất của việc sử dụng vốn TPCP là không có tiêu chí phân bổ rõ ràng, lộ rõ cơ chế xin - cho.

Địa phương lập dự án, còn TƯ cho vốn và trả nợ. Địa phương mặc nhiên coi đó là “của trời cho”.
 
Hôm nay 7/6, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.

Vốn TPCP là “tiền vay của dân”

Hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo về kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nhận xét: Qua báo cáo giám sát và thực tế tại địa phương cho thấy việc Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương phát hành TPCP cho đầu tư các lĩnh vực công trình dự án quan trọng là rất đúng đắn. Đây là nguồn lực to lớn để nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên phạm vi của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương “phát hành TPCP cho các dự án, công trình trong giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn, được sự đồng tình của cử tri. Từ chủ trương ban đầu phát hành trái phiếu đầu tư dự án công trình giao thông, thủy lợi, đường tuần tra biên giới cho đến kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, những dự án, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, ký túc xá sinh viên được quan tâm đầu tư đã góp phần khắc phục giảm tải đáng kể những khó khăn cho lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thậm chí còn lấy ví dụ về những khu đồi cát ở Bình Thuận khi nói về tính đúng đắn của việc phát hành TPCP. Đại biểu cho rằng, nếu không có chương trình này, những đồi cát chắc chỉ dùng để cho thuê phim trường đóng phim, vì toàn cát và xương rồng. Nhưng vì có những công trình thủy lợi nên những đồi cát đó đã phát triển được.

Đại biểu Quốc hội tranh luận trong giờ giải lao (ảnh: TTXVN).

Đại biểu Quốc hội tranh luận trong giờ giải lao (ảnh: TTXVN).

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 còn một số hạn chế bất cập, nhất là giai đoạn đầu của thực hiện chương trình.

“Việc thực hiện chủ trương cắt giảm, giãn hoãn tiến độ một số dự án chưa được Chính phủ, địa phương đánh giá cụ thể. Hầu hết các dự án giãn, hoãn tiến độ đều đã được triển khai, có dự án đã có khối lượng xây lắp nhưng đến nay phần khối lượng xây lắp đang bị xuống cấp nghiêm trọng vừa gây lãng phí lớn, vừa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là các dự án trong lĩnh vực giao thông”, đại biểu Thanh nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng: “Vốn TPCP eo hẹp gốc rễ cũng là tiền vay của dân, song phân bổ lại dàn trải, phần không mong muốn lại mở rộng tăng lên cả về mục tiêu, số lượng. Dự án tổng mức đầu tư thiếu vốn ắt kết quả dẫn đến nhiều dự án triển khai dở dang phải đình hoãn, giãn, chuyển mục đích đầu tư, nguồn lực bị lãng phí chắc chắn không phải là thấp”.

Còn theo đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) thì, “chúng tôi không thể hiểu được thế nào là xử lý kỹ thuật thông thường mà lại tăng kinh phí đến mức khủng khiếp và mức đầu tư tăng trung bình của các dự án từ 40-100%, thậm chí có những dự án tăng hơn 100%. Tôi lấy một ví dụ là đoạn Quốc lộ 22B xử lý kỹ thuật tăng 399 tỷ, trong khi toàn bộ tiền dự án đầu vào được duyệt chỉ có 437 tỷ”, đại biểu Học nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Học, lãng phí trong xây dựng cơ bản TPCP trong những năm vừa qua còn do việc nhà đầu tư chọn đơn vị thi công không đủ năng lực, bỏ thầu rất thấp để trúng thầu sau đó xin tăng mức đầu tư và chia thật nhiều tiểu dự án nhỏ gây tốn kém khi thi công. Các chi phí khác phục vụ cho các dự án rất tốn kém và rất hình thức như lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành làm quá nhiều, quá hoành tráng, không cần thiết.

Vẫn cần huy động TPCP cho những công trình dở dang

Nói về bất cập trong việc sử dụng TPCP, theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), đó là không có tiêu chí rõ ràng để phân bổ và lộ rõ cơ chế xin - cho. Việc phân bổ vốn cũng dàn trải, kéo dài và không đồng đều, chỉ 30% vùng khó khăn xin được vốn TPCP . Đặc biệt, ở một số địa phương còn tồn tại quan điểm: Địa phương lập dự án, còn TƯ cho vốn và trả nợ, vì thế địa phương mặc nhiên coi đó là “của trời cho”.

Ngoài ra, theo đại biểu Quyền, lãng phí còn ở quy mô sử dụng, thiếu quy hoạch thống nhất, không đồng bộ giữa xây lắp, thiết bị và nguồn nhân lực. Lãng phí còn do xây bệnh viện và thiết bị không ăn nhập với nhau, thiết bị nhập về nhưng nguồn nhân lực sử dụng lại không đáp ứng được... Ông Quyền lấy dẫn chứng: “Bên cạnh bệnh viện này lại có bệnh viện khác. Bên cạnh một con đường lại có thêm một con đường không nhất thiết phải có. Đường thoát lũ còn lớn hơn đường tỉnh lộ”…


Những công trình dở dang ... chờ vốn từ TPCP (ảnh minh họa).

Những công trình dở dang ... chờ vốn từ TPCP (ảnh minh họa).

Trước những bất cập của việc phát hành TPCP, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giai đoạn này vẫn cần thiết huy động vốn cho những công trình dở dang. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định), “nhất trí với đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2011 - 2015 khoảng hơn 7.500 tỷ đồng cho một số dự án đang triển khai thực hiện còn thiếu vốn và gắn với mục tiêu chính của chương trình này như đường trung tâm huyện, xã, bệnh viện huyện, các dự án công trình thuỷ lợi đang đầu tư dở dang kể cả những dự án công trình của cấp bộ ở trên địa phương”.

Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số bệnh viện tạm dừng do giãn, hoãn tiến độ. Ưu tiên đầu tư cho những bệnh viện đã hoàn thiện phần cơ sở vật chất nhưng thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế để có thể sớm đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ người bệnh.

Lý giải về nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Nông Thôn Cao Đức Phát cho biết, trong các dự án mà Bộ được giao, tổng mức đầu tư đã tăng thêm 19.400 tỷ đồng so với duyệt ban đầu. Theo Bộ trưởng Phát, tổng mức đầu tư tăng do những nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, do thay đổi chế độ, chính sách, giá vật tư trong giai đoạn từ 2000 - 2011 lương đã thay đổi 7 lần, tăng 5,8 lần, nhiều dự án chúng ta duyệt từ năm 2000.

Thứ hai, đầu tư đồng bộ hệ thống, một số dự án lúc đầu mới chỉ phê duyệt công trình đầu mối nay phải bổ sung kênh mương để phát huy hiệu quả. ví dụ công trình Cửa Đạt ở Thanh Hóa năm 2001 duyệt công trình đầu mối là 2.680 tỷ đồng đến năm 2010 điều chỉnh lại là 4.840 tỷ đồng. Nhưng làm xong công trình đầu mối để phát huy được hiệu quả thì cần bổ sung 2.400 tỷ đồng nữa để làm hệ thống kênh mương thì mới phát huy được.

Thứ ba, thay đổi giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn chất lượng. Ví dụ như tại công trình Cửa Đại ở Thừa Thiên Huế, một hồ có dung tích 700 triệu m3 ở trên thượng lưu của thành phố Huế. Mặc dù khi khảo sát, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan làm đúng theo các quy định, nhưng khi thi công do điều kiện địa chất quá phức tạp nên phải thay đổi giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Vì thế nên cũng đã làm tăng vốn đầu tư. Trong 3 nguyên nhân đó, do thay đổi chế độ chính sách làm tăng tổng mức 48%, để đầu tư đồng bộ làm tăng 38% và do thay đổi giải pháp kĩ thuật là phần còn lại 14%.

“Theo tôi việc chấn chỉnh những tồn tại là hết sức cần thiết. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vốn để tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh những công trình đang thi công và có thể để thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Bộ Trưởng Phát cũng cho biết thêm: “Trong giai đoạn 2012 - 2015, Bộ được giao 17.140 tỷ đồng, chúng tôi thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đã tập trung vốn để hoàn thành 41 dự án, giãn tiến độ đến điểm dừng kĩ thuật hợp lý 11 dự án và dừng hẳn 3 dự án. Tuy vậy tới nay chúng tôi rà soát lại thì thấy rằng để hoàn thành các dự án đã có chủ trương là phải hoàn thành trước năm 2015 cần bổ sung 10.200 tỷ đồng.

Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành những dự án đã có trong danh mục Quốc hội duyệt nhưng phải giãn sau năm 2015 cần thêm ít nhất 8.500 tỷ đồng. Trong khi đó rất nhiều địa phương đang có những yêu cầu cấp thiết khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và trong đó có việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế”.

Nguyễn Hiền