Gia Lai

Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z”

(Dân trí) - Những năm gần đây, bà con nông dân trồng cà phê đều gánh chịu điệp khúc “mất mùa, mất giá”. Chính vì vậy, một số bà con trên địa bàn đã tự mày mò tạo ra những sản phẩm cà phê hữu cơ từ “A đến Z” do chính tay mình làm ra.

Nông dân “chân đất” trồng cà phê từ “A – Z”

Vụ mùa 2018 – 2019 là vụ cà phê “đắng” đối với bà con trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung bởi năng suất, giá thành giảm mạnh…Từ vùng đất “nhất, nhì” thương hiệu cà phê, giờ đây vùng đất đỏ bazan đã dần nhường chỗ ra cho các cây trồng “cứu cánh” khác. Một trong những nguyên nhân chính đó là bị thương lá ép giá khiến danh hiệu “đại ngàn cà phê” dần đi vào ngõ cụt.

Trước những khó khăn về nông sản làm ra bị ép giá nên nhiều bà con đã nghĩ ra cách chế biến cà phê thành bột nguyên chất do chính họ làm ra. Cũng chính nhờ sự đột phá này đã giúp cho bà con nông dân “chân đất” đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ, sống được với cây cà phê.

Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z” - 1
Cà phê mất giá, dân mày mò làm ra những nhà kính để sản xuất cà phê thành phẩm

Anh Trần Xuân Hường (Thôn Văn Mỹ, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) người nông dân “chân đất” mới chỉ học đến lớp 3 nhưng hơn 1 năm nay đang mày mò, nghiên cứu để tạo ra những gói cà phê “sạch”, hữu cơ do chính tay anh trồng và chế biến thành phẩm.

Anh Hường cho hay: “Vườn mình trồng hơn 2ha, mỗi năm năng suất đạt từ 6 – 8 tấn cà phê nhân. Cà phê của tôi là ổn định nhất so với những hộ trong thôn vậy mà mỗi năm cũng lãi được gần 30 triệu đồng không đủ tái đầu tư. Trước thực tế đó, tôi đã quyết định mày mò chăm sóc cà phê của mình theo hướng hữu cơ để tự rang, xay và đóng gói đưa đi bán đến tay người tiêu dùng mà không phải thông qua thương lái nào”.

Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z” - 2
Những hạt cà phê được bà con phởi trên giàn để đảm bảo an toàn và nhanh khô hơn

“Vụ mùa vừa rồi, cà phê rớt giá nên tôi quyết định giữ lại những hạt cà phê để đem đi chế biến. Học hỏi trên mạng, tôi đã làm một cái nhà kính để phơi cà phê, tránh tiếp xúc với khí bụi. Đặc biệt, nhiệt độ trong nhà kính gấp đôi ngoài nên cà phê được phơi nhanh hơn rất nhiều. Sau khi cà phê khô, tôi tiến hành rang và nghiền thành bột…Sau nhiều quá trình nghiên cứu và thử nghiệm giờ đây tôi đã mang 1.000 gói cà phê ra phục vụ cho thị trường và bán cà phê thành phẩm cho rất nhiều các đại lý trong và ngoài tỉnh…”, anh Hường cho hay.

Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z” - 3
Dân gặp khó khi làm ra hạt cà phê lại bị thương lá ép giá

Tương tự, gia đình anh chị Nguyễn Thị Thảo (Tổ dân phố 7, Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã cũng tự mày mò làm nên những gói cà phê nguyên chất phục vụ cho nhiều tỉnh trên cả nước.

Chị Thảo bộc bạch: “Vì đã gắn bó, mưu sinh từ cây cà phê từ nhỏ nên tôi cũng thấu hiểu được khi bà con làm quần quật cả năm trời mà không bán được cà phê…Cùng với niềm đam mê đã thôi thúc tôi mày mò, đầu tư máy móc giúp rang, xay cà phê thành phẩm. Qua đó, những người nông dân có thể tự làm ly cà phê ngon nhất để nhằm phục vụ đến tận tay người tiêu dùng mà không phải thông qua thương lái, công ty nào cả. Đây cũng là cách “tự mình cứu lấy mình”…”.

Khởi nghiệp gặp khó khi…“mù thông tin”

Những người nông dân “một nắng, hai sương” với cây cà phê nhưng vì giá cả thấp nên thay vì bán tươi thì bà con đã biết rang xay thành phẩm để đưa đến người tiêu dùng những ly cà phê ngon nhất. Tuy nhiên, để tạo thành được một gói cà phê bột thì người nông dân mất rất nhiều công đoạn, máy móc, kĩ thuật rang xay…Đặc biệt, là những quy trình ngặt nghèo về kiểm định an toàn thực phẩm, kiến thức thị trường, đặc biệt là đầu ra. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều bà con đang ấp ủ dự định hoặc đã thất bại vì… “mù thông tin”.

Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z” - 4
Những hạt cà phê được cà con chọn lựa rồi đưa về sấy, rang lên tạo ra những ly cà phê nguyên chất

Anh Trần Xuân Hường (Thôn Văn Mỹ, xã Ia Bă) cho biết: “Cà phê giá thấp lại bị thương lái ép giá nên chúng tôi phải tự mình cứu lấy mình. Một người nông dân bước chân vào thị trường cà phê bột thì không cạnh tranh được với những hãng cà phê lớn, đặc biệt là tỉnh Gia Lai nơi có rất nhiều công ty, cửa hàng chế biến. Tôi rất mong muốn chính quyền, phòng nông nghiệp sẽ thông báo rộng rãi đến bà con những phương pháp rang xay cà phê, liên kết đầu ra để những sản phẩm của bà con sẽ trực tiếp đến tận tay khách hàng”.

Hiện nay, đồng hành cùng anh Trần Xuân Hường còn có HTX Sản xuất – Nông nghiệp – Dịch vụ Liên kết (thôn Ngai Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Ông Trần Khắc Hà (Giám đốc) cho biết: “HTX có 135 thành viên với tổng diện tích là hơn 210,7 ha cây cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây cà phê mất mùa nên bà con đã rơi vào cảnh đói nghèo, nhiều hộ đã phá cà phê trồng các loại cây khác. Nhằm duy trình cây cà phê thì HTX đã ra đời nhằm liên kết giữa bà con và doanh nghiệp phục vụ phân bón, giống và tìm kiếm những đầu ra triển vọng…”.

Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z” - 5
Tuy nhiên, hiện nay phương pháp sản xuất bà còn thô sơ và mù thông tin nên gặp khó trong việc sản xuất ra cà phê bột

“Đặc biệt, với những mô hình đột phá rang xay như của anh Hường đã bước đầu đem lại những thành công nên chúng tôi đã mở rộng mô hình ra các thành viên khác để trở thành một thương hiệu cà phê của vùng đất bazan, giúp bà con phát triển cây cà phê từ bao đời nay”, ông Hà mong muốn.

Ông Nguyễn Phùng Hưng (Phó phòng NN và PTNT huyện Ia Grai) cho biết: “Những năm qua, cà phê mất mùa, mất giá khiến cho đời sống bà con cùng cực, nghèo đói, nhiều hộ còn bị phá sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều hộ mạnh mẽ đầu tư để tiến hành rang xay thành phẩm cà phê bột trực tiếp đưa ra thị trường. Đây là việc là mà chính quyền rất khuyến khích và tạo mọi điều kiện về kiến thức, quy trình thủ tục và tìm những đầu ra triển vọng đưa đến với bà con…”.

Phạm Hoàng