Cả nước khó khăn mà ngân hàng báo lãi "khủng" thì… phản cảm!
(Dân trí) - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh nêu vấn đề đó tại cuộc tọa đàm về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm được tổ chức ngày 9/6.
Cuộc tọa đàm để phục vụ cho việc thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm. Ủy ban (UB) Kinh tế sẽ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất vào cuối tháng 7 tới đây.
Tại cuộc tọa đàm, vấn đề sức khỏe nền kinh tế sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn ra là nội dung nhận nhiều ý kiến mổ xẻ.
Chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ lo lắng nhiều hơn khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này "đánh" vào các khu công nghiệp, vào những nơi chủ chốt tạo ra hàng hóa xuất khẩu, nguồn thu ngân sách cho nền kinh tế.
Cụ thể, dịch khiến các khu công nghiệp trên toàn bộ địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh tê liệt. Đây là 2 tỉnh chiếm tới 10% vốn FDI, 5% giá trị xuất khẩu của cả nước. Tác động của đợt dịch qua 2 địa bàn công nghiệp trọng điểm này rất lớn, sẽ rất khó khăn và mất ít nhất 2 tháng, hoạt động của các khu công nghiệp tại đây mới có thể trở lại.
Thời gian tới, Việt Nam rất dễ trở lại tình trạng nhập siêu. 640.000 công nhân ở các khu công nghiệp của 2 tỉnh cũng cần sự hỗ trợ, tối thiểu một vài triệu đồng/người trong 1-2 tháng. Đây là khoản chi phí không nhỏ.
Ngoài ra, dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó khăn sẽ tác động tới nợ xấu. Trong tổng số nợ 357.000 tỷ đồng hiện nay, khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, cần trích lập dự phòng rủi ro 30% là con số "khủng". Theo đó, Nhà nước phải dành ngân sách cỡ 60.000 tỷ đồng để bù đắp, hỗ trợ khoanh nợ chứ không thể yêu cầu các ngân hàng thương mại "gánh".
Liên quan đến ý kiến này, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội - nêu thắc mắc, đầu năm nay, các ngân hàng thương mại báo lãi lớn.
"Trong khi nền kinh tế đang khó khăn như này, doanh nghiệp đang phá sản hàng loạt thì việc báo lãi khủng vậy có quá phản cảm hay chính sách tiền tệ có vấn đề? Vậy sao các ngân hàng không chia sẻ mà ngân sách phải bung ra gánh?" - ông Sinh đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu, chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra nhận định: Đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ không còn mức lãi "khủng" như báo cáo mà tối đa chỉ có thể lãi 15%.
Thực tế khác, nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận "khủng" thời gian qua là do thị trường chứng khoán bùng nổ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lên mạnh chính là kênh tạo lợi nhuận khá lớn cho các ngân hàng.
Tán thành quan điểm ngân hàng cần chia sẻ với nền kinh tế, với doanh nghiệp nhưng ông Lực không đồng tình với gợi ý chia sẻ bằng cách hạ lãi suất. Ông Lực nhận định, chưa bao giờ mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, nếu giảm lãi suất nữa sẽ dẫn đến hệ lụy là lạm phát.
Và đồng tiền vốn, nếu vay được quá rẻ thì khó đi vào sản xuất kinh doanh vì nền kinh tế hiện tại, đầu ra rất yếu. Vì thế, người đi vay với lãi suất rẻ sẽ "tông" vào chứng khoán, bất động sản, 5 năm sau, nền kinh tế lại lĩnh hậu quả.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng giải thích thêm nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận "khủng" của nhiều ngân hàng thương mại là do "yếu tố lịch sử".
Năm 2019-2020, thị trường bất động sản bùng nổ khiến các ngân hàng phát mại, giải quyết được số lượng lớn tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu đọng ở đây nhiều năm qua. Các ngân hàng đã nỗ lực với việc bán, phát mại tài sản này và thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
"Đó là nguyên nhân cơ bản khiến các ngân hàng lãi lớn. Cả 4 ngân hàng thương mại lớn, trong đó có cả ngân hàng hết sức khó khăn cũng có một năm thành công vì kết quả thu hồi nợ xấu rất tốt như thế" - ông Hùng nói.