"Cá mập" châu Á và những chuyến săn hàng tỷ USD ở Việt Nam
“Cá mập” châu Á đang dồn dập đổ tỷ USD vào Việt Nam để săn tìm những cơ hội đầu tư lớn. Khẩu vị ưa thích của những đại gia này chính là các đợt IPO, thoái vốn của những DN lớn Việt Nam. Động thái này được cho là sẽ tiếp tục hấp thụ hết nguồn cung khổng lồ trong thời gian tới. Thị trường Việt Nam đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư ngoại.
Đại gia tiền tỷ đến từ châu Á
Phiên đấu giá cổ phần được trông đợi nhất năm 2017 của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) vừa kết thúc. Một đại gia nước ngoài bí ẩn chi ra gần 9 ngàn tỷ đồng (gần 400 triệu USD) để sở hữu 48,33 triệu cổ phiếu, tương đương 3,33% cổ phần.
Cũng trong cùng ngày, khối ngoại đã chi ra tổng cộng khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng để mua gần 8,6 triệu cổ phiếu VNM trong 9,3 triệu cổ phần được giao dịch trên sàn, với mức giá kịch trần 173.800 đồng/cp. Dư mua còn rất lớn.
Qua 2 phương thức mua cổ phiếu, đại gia bí ẩn trở thành cổ đông lớn của VNM và chính thức lộ diện. Theo Nikkei, Platinum Victory PTE thuộc sở hữu của Jardine Cycle & Carriage (công ty hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối ô tô tại khu vực Đông Nam Á) đã mua tổng cộng 5,53% cổ phần của Vinamilk, trị giá 616,6 triệu USD (14 ngàn tỷ đồng) từ SCIC và trên sàn.
Trước đó vài ngày, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng ghi nhận kỷ lục chưa từng có khi hàng trăm triệu cổ phiếu VRE của Vincom Retail, trị giá khoảng 0,7 tỷ USD, được chuyển nhượng cho khối ngoại thông qua hình thức thỏa thuận chỉ trong một phiên giao dịch.
Tổng cộng, đợt chào bán này nhận được hơn 2 tỷ USD nhu cầu đặt mua - gấp 3 lần giá trị chào bán. Những NĐT được chọn mua cổ phiếu lần này là: Avanda, Dragon Capital, Genesis, GIC Pte, HSBC, Karst Peak, Templeton Investments và TT International.
Cơn khát cổ phiếu Việt xuất hiện từ năm 2016 với hàng loạt thương vụ mua cổ phần từ các NĐT châu Á. JX Nippon Oil & Energy (JX) của Nhật chi 4 ngàn tỷ đồng để sở hữu 8% vốn Petrolimex.
Giữa năm 2017, trong đợt chào bán cổ phần của VPBank, một kỷ lục lượng đăng ký mua cổ phần đã được lập: 1,2 tỷ USD. Hàng chục NĐT nước ngoài đã dồn dập tranh mua cổ phiếu VPBank.
Hai quỹ ngoại Magbi Fund Limited có trụ sở tại HongKong và Super Delta Pte Ltd có trụ sở tại Singapore cũng vừa chi 2,4 ngàn tỷ đồng mua 40% cổ phần của doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam Traphaco (TRA). Trước đó, các DN dược khác cũng đã có cổ đông lớn và chiến lược ngoại như Abbott tại Domesco, Taisho Pharmaceutical tại DHG, Stada Service Holding tại Pymepharco.
Shinsei của Nhật Bản cũng vừa mua 49% cổ phần công ty tài chính Mcredit từ MBBank. Trước đó, HDBank cũng đã bán một nửa công ty tài chính cho đối tác Nhật.
Đại gia ngoại hết thời ép giá
Theo kế hoạch, sau vụ thoái vốn thành công của Vinamilk, Vinaconex (VCG) có thể là đợt thoái vốn lớn tiếp theo của SCIC trong năm 2017. Bên cạnh đó là 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam: Bình Minh (BMP) và Tiền Phong (NTP), dược phẩm DMC, công nghệ FPT,...
"Cá mập" châu Á dồn dập đổ tỷ USD vào Việt Nam
Một chuyên gia cho biết, vụ thoái vốn tại Vinamilk hôm 10/11 đạt mức giá cao hơn hẳn (186 ngàn đồng) so với mức giá đưa ra chào bán (150 ngàn đồng) và mức giá bán vốn cuối năm trước (144 ngàn đồng) là do tư vấn tốt hơn, công tác chào bán và tìm kiếm NĐT tốt hơn.
Cuối 2016, SCIC đã chứng kiến một đợt chào bán không hiệu quả với lượng cổ phiếu bị ế lên tới 52 triệu cổ phần do thời gian làm thủ tục đấu giá gấp gáp cũng như những phức tạp trong thủ tục đấu giá.
Vị chuyên gia này nhận định, các vụ thoái vốn tại Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Vinaconex,... sẽ tiếp tục thành công vang dội như vụ thoái vốn Vinamilk lần 2 bởi các thủ tục đã được cải thiện nhiều, công tác tư vấn, giới thiệu về DN tốt hơn. Điều đó có nghĩa là các NĐT ngoại sẽ không thể “đè giá” các cổ phiếu đem ra đấu giá.
Ngay sau khi VNM đấu giá thành công, hàng loạt cổ phiếu được kỳ vọng sẽ được SCIC thoái vốn trong năm 2017 như BMP, NTP, VCG, DMC,... đồng loạt tăng mạnh 3,5-6%. Các roadshow giới thiệu DN sẽ được thực hiện vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.
Theo quy định mới, các NĐT được phép nộp ID giao dịch muộn, có thể đặt cọc bằng USD, chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán, thay vì 110% giá trị, bán cả lô,... Trong thương vụ thoái vốn VNM lần 1, cả 2 DN con của F&N đều đã mua hết số lượng cổ phần được phép (39,19 triệu cổ phiếu VNM - tương đương 2,7% cổ phần). Trong phiên đấu giá gần nhất, NĐT đến từ Singapore đã mua trọn 48,3 triệu cổ phiếu (tương đương 3,33%).
Nhiều DN sắp được thoái vốn đã nới room ngoại hoặc chuẩn bị nới room ngoại như: DMC lên 100%, NTP còn nhiều khả năng cũng nơi room lên 100%.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới Chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, sức cầu của khối ngoại rất tốt và đây chính là nhóm đối tượng có thể giúp hấp thu hết nguồn cung hàng hóa khổng lồ cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Sau Thái Lan, nhiều NĐT đến từ Nhật, Singapore và Hàn Quốc rất quan tâm tới TTCK VIệt Nam. Hàng loạt đại gia Nhật và Hàn đã đổ vốn vào DN Việt từ ngân hàng, dầu khí, nhựa, dược phẩm cho tới CTCK. Các đợt IPO khủng sắp tới như BSR, PVOIL, VRG, PVPower, Becamex, Genco 3, Vinafood 1, 2,... cũng được các NĐT ngoại quan tâm.
Rõ ràng, 'cá mập' châu Á đang "đánh hơi" thấy chứng khoán Việt Nam “thơm” là bởi nhiều DN Việt bán vốn có vị thế đầu ngành, có tiềm năng lớn, nền kinh tế Việt Nam ổn định, trong khi TTCK tăng ở mức hàng đầu trên thế giới.
Trong tuần lễ APEC vừa qua, TTCK Việt Nam tăng mạnh, thuộc top 5 trên thế giới. Tính từ đầu năm tới nay, VN-Index cũng đã tăng khoảng 31%, đứng thứ 6 thế giới.
Hàng loạt quỹ đầu tư ngoại thắng lớn trên TTCK như Dragon Capital, Mekong Capital,... lãi lớn trên TTCK Việt Nam. Quỹ VEIL của DC tăng gần 35%; trong khi Mekong Capital liên tục chốt lãi hàng ngàn tỷ đồng từ mỗi thương vụ cổ phiếu cụ thể. Pyn Elite Fund (quỹ ngoại lớn thứ 3 tại Việt Nam) cũng thắng lớn trong năm 2017 nhờ cú bứt phá ngoạn mục của các cổ phiếu như MWG, HBC,....
Trong khi một loạt quỹ ngoại như từ Thái Lan, Mỹ chốt lời thì các đại gia ngoại đến từ Nhật, Sing, Hàn,... cũng liên tục thế chân mua vào ồ ạt. Một số dự báo cho rằng, một khi được nâng hạng, sẽ có hàng chục USD vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Dòng tiền lớn đang góp phần giúp TTCK nói riêng, thị trường vốn nói chung phát triển rất mạnh.
Theo M. Hà
VietnamNet